Chia sẻ với báo chí trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13 - 17/8, Bộ trưởng Nir Barkat khẳng định sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1993), Việt Nam và Israel "có nhiều điểm chung".
Đáng chú ý, cả hai quốc gia đều tìm kiếm hợp tác toàn cầu thông qua các FTA trên khắp thế giới và Chính phủ hai nước đã nhận thức được những cơ hội hợp tác to lớn.
“Cả hai quốc gia của chúng ta đều mong muốn có thể đẩy mạnh hợp tác trên toàn cầu. Hai quốc gia đều đã nhanh chóng triển khai các hiệp định thương mại tự do và hợp tác trên toàn thế giới với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ”, Bộ trưởng chia sẻ.
Chính phủ hai nước đều thấy rõ rằng thông qua 30 năm hợp tác và phát triển quan hệ ngoại giao, có những cơ hội để hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel chính là một minh chứng cho điều đó.
Theo Bộ trưởng Barkat, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA), được ký tại Tel Aviv ngày 25/7, là một minh chứng cho mối quan hệ song phương tốt đẹp trong suốt ba thập kỷ qua. "Tôi có thể nói đây là bản FTA được đàm phán và ký kết có tốc độ nhanh nhất mà tôi từng được chứng kiến", Bộ trưởng Barkat chia sẻ, đồng thời bày tỏ tin tưởng FTA này kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho cả hai nền kinh tế.
Bộ trưởng Barkat cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định với ông là sẽ sớm có đường bay thẳng giữa hai nước, và đây là một trong những kết quả đầu tiên của VIFTA.
Theo Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel, đây sẽ là "một bước đột phá lớn" trong mối quan hệ song phương.
Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/8, Bộ trưởng Israel cũng đề xuất mở đường bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Israel.
Bộ trưởng Barkat nhấn mạnh một khi thị thực điện tử (e-visa) và các chuyến bay thẳng được khai trương, hai quốc gia sẽ thấy sự tăng trưởng trong hợp tác du lịch và thương mại cũng như các lĩnh vực khác, đồng thời nhiều sản phẩm Việt Nam sẽ được xuất khẩu đến Israel và nhiều công nghệ Israel sẽ được đưa vào Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết bảy cụm lĩnh vực kinh tế mà Israel đang tập trung vào đó là công nghệ cao, an ninh nội địa, ứng dụng công nghệ Công nghiệp 4.0, chăm sóc sức khỏe- khoa học đời sống, công nghệ nông nghiệp và thực phẩm, và du lịch; đề xuất hai quốc gia mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực này.
Ông cũng đề xuất hai quốc gia thành lập các công ty liên doanh tại Việt Nam, trong đó Israel phụ trách công nghệ còn phía Việt Nam chịu trách nhiệm về tiếp thị và phát triển, và thiết lập một quỹ hợp tác.
Theo Bộ trưởng Barkat, Việt Nam không chỉ là một quốc gia với hơn 100 triệu dân và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, mà còn là cửa ngõ vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực Nam Á, tạo ra các "cơ hội lớn" cho Israel.
Liên quan đến thách thức trong thương mại song phương, ông Barkat nhấn mạnh cả doanh nghiệp Việt Nam và Israel đều đã thể hiện niềm vui và lạc quan về tương lai.