Trên nền tảng của mối quan hệ hợp tác có bề dày gần nửa thế kỷ, trong những năm qua, Việt Nam – Liên hợp quốc đang trở thành đối tác của nhau, cùng nỗ lực để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững gồm 17 mục tiêu, liên kết với nhau và đầy tham vọng, nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam, trên thế giới phải đối mặt.
Góp phần giải quyết những thách thức lớn trong quá trình phát triển
Mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Qua hơn 75 năm hoạt động với những thành tựu nổi bật, Liên hợp quốc đã chứng tỏ vai trò trung tâm và uy tín trong các hoạt động hợp tác, được công nhận là nền tảng không thể thiếu vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.
Tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Chương trình Nghị sự 2030 xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt. Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals) nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Mục tiêu phát triển bền vững là sự tiếp nối của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals); dựa trên sáu chủ đề bao gồm: Nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng.
Mục tiêu phát triển bền vững toàn diện hơn so với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này vượt ra và thúc đẩy phát triển xã hội, bao gồm cả các mục tiêu đối với biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng… Mỗi mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu thường sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác.
Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để triển khai cho phù hợp. Kế hoạch này được sử dụng để phát triển các mục tiêu của Việt Nam trên cơ sở thực tiễn của đất nước, các tỉnh, thành phố, địa phương; tham vấn các cấp, các ngành. Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam.
Hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững đã được bao hàm trong hệ thống thể chế quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp hiện hành; trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương.
Hình mẫu thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Thông qua Kế hoạch Chiến lược chung giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 (Chương trình hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Sáng kiến một Liên hợp quốc) được ký vào ngày 5/7/2017, Liên hợp quốc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 4 lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư vào con người; đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.
Qua các chương trình hỗ trợ phát triển, đến nay Việt Nam là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, lồng ghép các mục tiêu đó vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, hài hòa với các khuôn khổ hợp tác ký kết với Liên hợp quốc theo từng giai đoạn.
Trong 17 mục tiêu tổng quát, 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam đã quốc gia hóa thành 17 mục tiêu tổng quát và 115 mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện, bối cảnh phát triển của đất nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2019, tức là trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, bao gồm Mục tiêu 1 về xóa nghèo, Mục tiêu 2 về xóa đói, Mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng, Mục tiêu 13 về các hành động khí hậu và Mục tiêu 17 về quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững.
Trong bốn lĩnh vực ưu tiên trên, hai lĩnh vực đầu tư vào con người; đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững đã tạo được nhiều dấu ấn mạnh mẽ với các cam kết, cùng dự án hợp tác sôi động giữa hai bên, góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng trong đảm bảo quyền con người, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở lĩnh vực đầu tư vào con người, đại dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến kết quả thực hiện các mục tiêu. Mặc dù vậy, Việt Nam đã nỗ lực duy trì và tiếp tục đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với nhiều kết quả nổi bật như tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 4,8% năm 2020. Chỉ số bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức chung toàn cầu. Năm 2021, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,01% dân số. Tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt mức cao, tương ứng 97,2% và 98% năm 2021. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 30,26%, cao hơn mức trung bình toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%).
Cũng trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam đã gây ấn tượng với thế giới, cộng đồng quốc tế về những thành quả trong nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất. Việt Nam đã sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra nhờ những nỗ lực ngoại giao vaccine và tiến hành tiêm nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.
“Thành công của việc tiêm vaccine tại Việt Nam không chỉ là những con số mà còn là những người dân được cứu sống, họ không phải nhập viện, các bệnh viện không bị quá tải, các cộng đồng phục hồi nhanh chóng về kinh tế - xã hội”, bà Rana Flowers nói.
Ở lĩnh vực đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững, Việt Nam đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cam kết thực hiện Khung giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015 - 2030 và đang thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) 8% vào năm 2030, hoặc giảm 25% với sự hỗ trợ quốc tế. Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi đến cộng đồng quốc tế cam kết mạnh mẽ của Việt Nam giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Đánh giá về hiện trạng môi trường ở Việt Nam hiện nay và những cam kết của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã có những cải thiện đối với một số mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến môi trường như lĩnh vực nước sạch và vệ sinh (Mục tiêu số 6)… Chúng tôi đã thấy Việt Nam có thể phát triển rất nhanh và đang gia tăng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng tôi cũng chứng kiến một sự tăng trưởng ngoạn mục sử dụng năng lượng mặt trời, gió trong các năm 2018-2019”.
Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cũng cho biết, tổ chức này đánh giá cao những cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại COP26, trong đó đặc biệt là cam kết không phát thải ròng vào năm 2050, đồng thời đang thực hiện các bước đi rất chủ động như thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và điều chỉnh lại chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cùng Quy hoạch điện 8. Đây là những bước đi để hiện thực hóa những cam kết đã được đưa ra tại COP26. Theo Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cơ hội giải quyết vấn đề tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh sẽ mang lại một tương lai hòa nhập công bằng cho tất cả người dân Việt Nam và Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu để các nước khác nhân rộng.
Đánh giá chung về những thành quả đã đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đại diện Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) Arman Bidarbakht Nia cho biết, xếp hạng vị trí thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam tăng từ vị trí 88/149 nước năm 2016 lên vị trí 51/165 nước năm 2021.
Hiện Việt Nam và Liên hợp quốc đã thông qua Khung hợp tác chiến lược giai đoạn 2022 – 2026 với các lĩnh vực trọng tâm là phát triển xã hội bao trùm; chống biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường; chuyển đổi nền kinh tế và quản trị.
Việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ mang lại những chuyển biến tích cực đối với bộ mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam, mà còn là minh chứng sống động thể hiện sự chủ động tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trên thế giới, đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc là ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc; khẳng định vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.