Cùng dự, về phía Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong và đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội. Về phía Nghị viện châu Âu có: Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP (INTA) Bernd Lange; Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN (DASE) của Nghị viện châu Âu Daniel Caspary cùng một số nghị sĩ.
Đây là cuộc làm việc thứ hai giữa đại diện Quốc hội Việt Nam và đại diện Nghị viện châu Âu, nhằm trao đổi về tiến triển thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, trao đổi về những khó khăn, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện và phương hướng hợp tác nhằm thúc đẩy thực thi hiệp định có hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà khẳng định, Việt Nam luôn coi Liên minh châu Âu là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu, trong đó có quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đã đạt nhiều thành quả vì lợi ích của người dân mỗi bên, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai châu lục và trên thế giới.
Ông Vũ Hải Hà nhấn mạnh, hợp tác về kinh tế là một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu, trong đó có việc triển khai EVFTA. Kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực thực thi ngày 1/8/2020, trao đổi thương mại song phương phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, với kim ngạch hai chiều đạt 57 tỷ USD năm 2021.
Hai bên đã phối hợp chặt chẽ nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, đồng thời, giải quyết một số điểm khác biệt thông qua cơ chế đối thoại và họp định kỳ của các Ủy ban. Hai bên đã tổ chức phiên họp đầu tiên Ủy ban Thương mại thực thi EVFTA (tháng 7/2021); phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững thực thi Chương 13 của EVFTA (tháng 11/2021).
Thông tin về tình hình triển khai EVFTA của Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã sửa đổi, ban hành mới các nghị định, nghị quyết, thông tư trong các lĩnh vực liên quan đến thuế quan, nông nghiệp, xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại… Ngoài ra, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua cũng đưa vào các nội dung liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu nhằm bảo đảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam.
Cũng theo ông Vũ Hải Hà, trong quá trình triển khai Hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đại dịch COVID-19 bùng phát và tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới làm giảm sức mua ở hai thị trường, gây đứt gãy và dịch chuyển chuỗi sản xuất (thiếu lao động, ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu sản xuất, chi phí logistics tăng cao từ 30 - 50%).
Bên cạnh đó, hạn chế đi lại làm ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại sang thị trường nước ngoại, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tận dụng các cơ chế có sẵn. Các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc hiểu cam kết và quy định của Hiệp định, còn vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn đối với một số lĩnh vực chủ chốt trong Hiệp định như dệt may (do nguyên liệu dệt may nhập khẩu phần lớn từ nước ngoài nên khó có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan), nông sản, thực phẩm (do thiếu cơ sở chiếu xạ, kiểm định chất lượng sản phẩn theo yêu cầu của Liên minh châu Âu trước khi xuất khẩu).
Nhằm triển khai Hiệp định hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị, Nghị viện châu Âu và Liên minh châu Âu hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam để tận dụng hiệu quả EVFTA (công tác phổ biến, tuyên truyền, tư vấn, xúc tiến thương mại…); hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng giúp doanh nghiệp Việt Nam trong đáp ứng các yêu cầu rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS).
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đề nghị, Liên minh châu Âu sớm gỡ thẻ vàng IUU (chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đối với hải sản khai thác của Việt Nam trong năm 2022 nhằm thúc đẩy xuất khẩu song phương sau Hiệp định; dành các chương trình, đề án hỗ trợ nâng cao năng lực và cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam để phát huy thế mạnh, tăng trưởng thương mại thủy sản giữa hai bên.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thí điểm nhà xuất khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ bởi hiện nay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu chưa quy định thời điểm cụ thể để áp dụng cơ chế này; hỗ trợ đẩy nhanh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm khắc phục vấn đề thiếu lao động do COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm xử lý các vấn đề khác biệt thông qua các cơ chế đối thoại; Liên minh châu Âu hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi Hiệp định; đề nghị Nghị viện châu Âu thúc đẩy các nước thành viên còn lại hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực, tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Tại cuộc họp, các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu đánh giá cao những tiến triển tích cực mà hai bên đạt được trong việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu thời gian qua; đồng thời, đánh giá cao cơ chế trao đổi, đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu nhằm thúc đẩy việc thực thi Hiệp định.
Bên cạnh đó, đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia trao đổi, làm rõ thêm vấn đề cụ thể trong thực thi Hiệp định, trong đó có Chương 13 về "Thương mại và phát triển bền vững" như: hội đồng chuyên gia, Nhóm Tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam, cam kết về lao động của Việt Nam, mở cửa thị trường dược phẩm, việc tuân thủ cam kết sản phẩm từ gỗ…