Tại cuộc tiếp Chủ tịch Ủy ban trung hòa carbon và tăng trưởng xanh Hàn Quốc, hai bên nhận định quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt nhất, lòng tin chính trị không ngừng được củng cố; hợp tác trên các lĩnh vực phát triển vượt bậc. Hai bên có nhiều dư địa, cơ hội hợp tác, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/2022.
Nhấn mạnh nền kinh tế hai nước có tiềm năng hợp tác và bổ sung lẫn nhau, nhất là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh vì mục tiêu giảm phát thải nhà kính, nhất là đã ký Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu vào tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở triển khai Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Chính phủ hai nước; tích cực hỗ trợ và cùng với Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị P4G lần thứ 4 vào năm 2025.
Bày tỏ vinh dự được tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Kim Sang-huyp cho biết Hàn Quốc rất quan tâm và quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon và tăng trưởng xanh. Ông Kim Sang-huyp cũng chia sẻ với Thủ tướng về dư địa để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong phát triển kinh tế xanh, giảm khí thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu và cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có thể đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác về tăng trưởng xanh với những sáng kiến, kế hoạch cụ thể.
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban trung hòa carbon và tăng trưởng xanh Hàn Quốc, ông Kim Sang-huyp khẳng định Ủy ban sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị P4G vào năm 2025 và triển khai các chương trình hợp tác hai bên trong lĩnh vực quan trọng này.
* Tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường sắt, phục vụ phát triển xanh, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng, Trung Quốc có thế mạnh về phát triển đường sắt kết nối cả nước cũng như đường sắt đô thị, do đó Việt Nam mong muốn trao đổi tìm cơ hội hợp tác, mong Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó đặc biệt là phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội, Tuyến Đông Hưng đi Móng Cái về Hải Phòng. Các tuyến đường sắt này dài hơn 700 km, có vai trò quan trọng, do đó Việt Nam mong triển khai sớm; đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị.
Ông Lâu Tề Lương cho biết, CRSC là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, hoạt động tại hơn 20 quốc gia và khu vực, bao gồm dự án Jakarta-Bandung HSR ở Indonesia, Đường sắt Hungary - Serbia và Đường sắt Trung Quốc - Lào. Doanh thu năm 2023 đạt hơn 37 tỷ Nhân dân tệ (NDT) và lợi nhuận tương ứng đạt 4,7 tỷ NDT.
Tập đoàn mong có cơ hội hợp tác với Việt Nam vì có thế mạnh từ khâu thiết kế đến sản xuất hệ thống tín hiệu kiểm soát đường sắt, từ đó cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn, với giá cả cạnh tranh cho Việt Nam; đồng thời đơn vị có thể đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Sau khi lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam thông tin, trao đổi về các vấn đề liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành ý kiến của tập đoàn về sự cần thiết quản lý đường sắt bằng công nghệ số; cho biết việc đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt ở Việt Nam đang gặp khó khăn, do đó Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về đào tạo nguồn nhân lực, chỉ huy, kiểm soát, thiết kế trong dự án đường sắt, sau đó là chuyển giao công nghệ. Thủ tướng mong lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục đổi cụ thể với các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam để xúc tiến các dự án, góp phần hiện thực hoá thoả thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước.