Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã thay mặt Nhà nước ghi nhận sự đóng góp to lớn của MGU trong đào tạo cho Việt Nam những nhà khoa học hàng đầu, những lãnh đạo cấp cao có uy tín kể từ thời Liên Xô trước kia cho tới LB Nga sau này. Trước thềm năm chéo Nga - Việt 2019, hoạt động thắt chặt quan hệ này tạo đà cho một sự hợp tác thực chất và nâng tầm trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước Việt Nam và LB Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, quyết định trao tặng huân chương cao quý của Nhà nước Việt Nam nêu rõ MGU và Viện sĩ Sadovnhichi được tặng huân chương vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị, cũng như vì những công lao cho công việc đào tạo nhân sự cho Việt Nam. Huân chương Hữu nghị là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam dành cho các tập thể và công dân nước ngoài có đóng góp to lớn vào việc giúp đỡ nhân dân Việt Nam.
Trong hơn 60 năm qua và liên tục trong suốt thời chiến tranh gian khổ, MGU đã là cái nôi cất cánh cho rất nhiều thế hệ sinh viên, tiến sĩ Việt Nam. Như Đại sứ Ngô Đức Mạnh, một cựu sinh viên MGU, nhấn mạnh tại buổi lễ: “Được học tập tại MGU luôn là ước mơ của tất cả mọi học sinh, sinh viên Việt Nam”.
Đại sứ thông báo đến Hiệu trưởng Sadovnhichi và các lãnh đạo, giảng viên nhà trường có mặt tại buổi lễ, các cựu sinh viên MGU sau khi về Việt Nam đều có đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, do đó Việt Nam luôn ghi nhận sự giúp đỡ vô giá và đầy trách nhiệm của MGU.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Vì sự nghiệp mười năm phải trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người". MGU chính là “khu vườn” tốt tươi, chân thành và chất lượng đỉnh cao trong quan hệ hữu nghị thủy chung Nga-Việt.
Hiệu trưởng MGU, Viện sĩ Sodovnhichi rất xúc động trước sự ghi nhận đó. Sự nghiệp khoa học của Viện sĩ cũng gắn liền với MGU từ năm 1958, những năm đầu tiên khi MGU nhận sinh viên Việt Nam sang học. Từ đó đến nay, theo Viện sĩ, sinh viên Việt Nam tại MGU đã luôn thể hiện sự chăm chỉ, khát vọng được học tập và khát khao cống hiến cho xã hội, cho đất nước.
Ông Sadovnhichi chia sẻ, trong những năm chiến tranh, sinh viên Việt Nam vừa học tập vừa lan tỏa được cả tinh thần dũng cảm, quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Sau này, ông Sadovnhichi có dịp đến thăm Việt Nam, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước sau chiến tranh và rất tự hào khi biết một phần công sức trong đó do những sinh viên học tập tại MGU nói riêng và tại các trường đại học khác của Liên Xô nói chung, đóng góp.
Giờ đây, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của ngôi trường danh tiếng nhất nước Nga, Viện sĩ Sadovnhichi sẵn sàng làm tất cả để phát triển và nâng lên tầm cao mới hợp tác trong lĩnh vực giáo dục với các cơ sở đào tạo của Việt Nam. Đây thực sự là tin vui cho học sinh Việt Nam vì MGU là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Chính phủ Nga, cho đến nay cơ hội duy nhất để “lọt” qua cánh cửa MGU là thi tuyển với điểm đầu vào cao nhất cả nước Nga.
MGU được sáng lập từ năm 1755 nhờ công lao của nhà bác học bách khoa toàn thư, viện sĩ đầu tiên của Nga Mikhail Lomonosov và ngôi trường được mang tên ông để thể hiện công lao đó. Cho đến nay, MGU đã giành 11 giải Nobel trong nhiều lĩnh vực, 6 giải Fields, đồng thời nhiều nhà khoa học giành giải Nobel trên thế giới được trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự của MGU. Nhiều năm liền MGU được xếp hạng cao trong 100 trường đại học hàng đầu trên thế giới.