Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực của Việt Nam tại IAEA - làm trưởng đoàn. Cùng tham dự có Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học - Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) - và các đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị chuyên môn của Bộ Ngoại giao.
Trong 5 ngày làm việc, Đại sứ Ivo Sramek, Trưởng Phái đoàn Séc, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA, chủ trì với chương trình nghị sự tập trung vào xem xét các dự thảo Báo cáo của Tổng Giám đốc IAEA, đánh giá lại tình hình an ninh, an toàn và ứng dụng khoa học - kỹ thuật hạt nhân trong năm 2022; các xu thế chính và quan tâm của cộng đồng quốc tế cũng như các ưu tiên triển khai trên những lĩnh vực này của IAEA trong năm 2023; rà soát việc thực hiện Hiệp định về thanh sát giữa IAEA với một số nước như Iran, Syria, Triều Tiên.
Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp thời gian gần đây, cuộc họp Hội đồng Thống đốc IAEA lần này cũng xem xét và thảo luận các vấn đề đang nổi lên như tình hình an ninh, an toàn nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine, thỏa thuận quân sự giữa Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và một số vấn đề liên quan đến nhân sự của tổ chức, trong đó có chỉ định Tổng Giám đốc IAEA nhiệm kỳ 2023-2027.
Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Grossi điểm lại các nhiệm vụ trọng tâm của IAEA trong năm 2023, nổi bật hơn cả là kết quả chuyến thăm làm việc tại Iran của ông ngay trước thềm cuộc họp về thực thi các nghĩa vụ theo hiệp định thanh sát cũng như triển vọng giải quyết các vấn đề thanh sát còn tồn đọng.
Trước các diễn biến ngày càng phức tạp trên thực địa xung quanh khu vực Nhà máy điện hạt nhân Zaphorizhya tại Ukraine và đoàn thanh sát viên IAEA, Tổng Giám đốc Grossi khẳng định sẽ không “chùn bước” trước các khó khăn và cam kết tiếp tục theo đuổi các nỗ lực đàm phán thiết lập “vùng bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân” xung quanh nhà máy nhằm ngăn chặn các sự cố hạt nhân có thể xảy ra do các hành động quân sự.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học hạt nhân tiếp tục là trọng tâm của IAEA, đặc biệt dành sự quan tâm hỗ trợ thiết yếu cho các nước chịu tác động của thảm họa động đất vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong thời gian diễn ra cuộc họp, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại nhiều đề mục của kỳ họp, cùng các thành viên Hội đồng Thống đốc thảo luận đóng góp cho việc hoàn thiện các dự thảo Báo cáo về an ninh, an toàn và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân năm 2023. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán ủng hộ cả 3 trụ cột chính của IAEA là bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, thanh sát và ứng dụng năng lượng nguyên tử hạt nhân vào mục đích hòa bình, đánh giá cao sang kiến của IAEA trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ các hoạt động dân sự vì mục đích hòa bình; khẳng định ủng hộ vai trò then chốt của IAEA, nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia và ủng hộ cách tiếp cận cân bằng trong công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; chia sẻ quan tâm trước những diễn biến phức tạp về an ninh hiện nay; đề cao nguyên tắc đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế.
Bên lề cuộc họp, Đoàn Trung tâm NACCET sẽ có các buổi làm việc với lãnh đạo và đại diện các tổ chức quốc tế và đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình như Ban Ứng dụng và Khoa học hạt nhân IAEA, Cơ sở nghiên cứu hạt nhân của IAEA tại Seibersdorf (Áo), Ban Thư ký Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện(CTBTO) và Tổ chức Phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO).
Mỗi năm Hội đồng Thống đốc IAEA có 4 kỳ họp vào các tháng 3, 6, 9 và tháng 11. Việt Nam được bầu làm thành viên hội đồng từ tháng 9/2021 trong nhiệm kỳ 2 năm 2021-2023.