Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất, khắc phục hoàn cảnh để hoàn thành tốt công việc được giao. Câu chuyện được chia sẻ từ những sĩ quan trở về từ Phái bộ gìn giữ hòa bình MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi) sẽ phần nào đem tới hình dung rõ hơn về cuộc sống của người lính mũ nồi xanh Việt Nam ở một đất nước xa xôi.
Tự hào khi được đóng góp cho hòa bình thế giới
Thiếu tá Đinh Đức Long là trợ lý huấn luyện của Phòng Huấn luyện tại Sở Chỉ huy Phái bộ gìn giữ hòa bình MINUSCA, Cộng hòa Trung Phi từ 6/2017- 6/2018. Công việc cụ thể của Thiếu tá Long ở Phái bộ là phụ giúp cho Trưởng Phòng Huấn luyện tại Sở Chỉ huy, đảm nhiệm các công việc liên quan đến tổ chức các khóa huấn luyện tại Phái bộ, kiểm tra công tác huấn luyện của các đơn vị căn cứ theo yêu cầu của Phái bộ cũng như nhu cầu của đơn vị; phối hợp với các phòng ban liên quan trong phái bộ để tổ chức, giám sát, kiểm tra về huấn luyện tất cả các nhiệm vụ huấn luyện trên toàn Phái bộ.
Chia sẻ những câu chuyện thực tế trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, tương tác với cộng sự khi làm việc, Thiếu tá Long cho biết, đặc điểm của sĩ quan huấn luyện là phải tiếp xúc với rất nhiều người, do yêu cầu bắt buộc là tất cả sĩ quan khi bắt đầu tới Phái bộ đều phải trải qua cuộc kiểm tra về kiến thức, chuyên môn và ngoại ngữ tại phòng huấn luyện. Sĩ quan huấn luyện là cầu nối trung gian để liên hệ giữa các bên trong việc tổ chức các lớp học tại Phái bộ. “Cán bộ, nhân viên và đồng nghiệp ở Phái bộ luôn có thiện cảm với sĩ quan Việt Nam, bởi sĩ quan của ta rất có trách nhiệm trong công việc, gần như mọi nhiệm vụ được giao phó đều hoàn thành một cách tốt nhất, lại luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Có người còn nói rằng: Cứ có việc gì khó thì đưa ra với sĩ quan Việt Nam, thế nào cũng giải quyết được”, Thiếu tá Long nhớ lại.
Tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), các sĩ quan gìn giữ hòa bình đều ở nhà công vụ nằm trong doanh trại. Tuy nhiên, tại Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), do điều kiện thực tế, Thiếu tá Long và đồng nghiệp đều ở nhà thuê bên ngoài của người dân. Một số khu vực sẽ được kiểm tra và thông báo an toàn để lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình có thể tới liên hệ thuê nhà. Sống cùng với người dân địa phương, Thiếu tá Long và các đồng nghiệp có nhiều điều kiện tiếp xúc gần gũi với họ. Trong ấn tượng của anh, người dân nơi đây rất thân thiện, thường xuyên vẫy tay chào, hỏi thăm khi thấy bộ đội Việt Nam đi ngang qua.
Ngoài giờ làm việc hành chính, các sĩ quan gìn giữ hòa bình tận dụng khoảng thời gian được nghỉ để ra ngoài mua thực phẩm hay những vật dụng cần thiết. “Thời gian đầu đúng là phải giao tiếp bằng tay để mua đồ ăn thức uống vì người dân hầu hết đều nói tiếng địa phương, ví dụ chỉ con gà hỏi bao nhiêu, rồi giơ ngón tay chỉ 3 hay 4… Họ cũng có siêu thị nhưng hầu hết là hàng ngoại nhập nên giá cả thường rất đắt, trong khi chúng tôi phải cố gắng tiết kiệm”, Thiếu tá Long chia sẻ. Đặc biệt, những thời điểm khi xảy ra xung đột, các anh bắt buộc không được ra ngoài và lựa chọn “sáng giá” nhất khi đó là… mì gói. “Trong quá trình một năm công tác, chúng tôi có khoảng hai lần phải ở trong nhà hoàn toàn như vậy, mỗi lần khoảng 3 - 4 ngày, nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải có xe bọc thép hộ tống”. Anh Long cho biết.
Bên cạnh những niềm vui, những câu chuyện thú vị, người sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam nhớ mãi một kỷ niệm khiến anh day dứt. “Có lần, chúng tôi ra ngoài, đang đi trời mưa to. Chúng tôi thấy bên đường có em bé chỉ độ 3-4 tuổi, cứ đi một mình dưới mưa. Khi đó, ba anh em đều cảm thấy khó xử. Quy định của Liên hợp quốc là không cho phép đưa người dân lên xe bởi trong điều kiện ở một đất nước an ninh thiếu ổn định, bất kỳ điều gì cũng có thể dẫn tới những nguy cơ. Song nhìn đứa trẻ còn quá nhỏ đi bộ dưới trời mưa tầm tã, mọi người đều không khỏi chạnh lòng. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chạy xe chậm theo đằng sau để thấy em bé về tới nhà an toàn rồi mới an tâm đi tiếp”.
Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Long không khỏi tò mò, háo hức và mong muốn có được góc nhìn mới, trải nghiệm mới ở một đất nước xa xôi. “Thế nhưng, khi tới Cộng hòa Trung Phi, một đất nước với tình trạng kinh tế đói nghèo, giao tranh, xung đột và bất ổn, mình thực sự cảm kích với những gì mình đã có được như ngày hôm nay. Ở Việt Nam, người dân có được sự an toàn, ổn định cuộc sống để làm ăn và phát triển kinh tế, cho con cái học hành”. Anh cảm thấy tự hào khi mình được góp phần đại diện cho Việt Nam làm việc và phục vụ cho hòa bình thế giới: “Có thể đóng góp của mình rất nhỏ bé thôi nhưng ít ra mình cũng đã góp phần giúp đỡ một đất nước trên con đường tiến tới hòa bình và tự do”.
Cũng như Thiếu tá Nguyễn Đức Long, công việc của Thiếu tá Bùi Xuân Dương là trợ lý cho Phòng Huấn luyện tại Phái bộ MINUSCA. Là một sĩ quan tham mưu cho công tác huấn luyện, hằng ngày, anh cùng đồng nghiệp lập kế hoạch, triển khai việc huấn luyện, kiểm tra huấn luyện đối với hai đối tượng là cá nhân và đơn vị.
Sự nghèo đói và khó khăn cũng là ấn tượng rõ ràng nhất của Thiếu tá Bùi Xuân Dương khi chứng kiến cuộc sống của người dân Cộng hòa Trung Phi. “Trụ sở của Phái bộ MINUSCA đặt ở thủ đô của đất nước. Cuộc sống cũng rất nghèo, đường sá đi lại chỉ là đường đất, song dù sao cũng có hình hài của tổ chức chính quyền nhà nước. Nhưng trong một lần đi kiểm tra công tác huấn luyện tại đơn vị, phải di chuyển bằng trực thăng tới nơi rất xa, tôi còn cảm thấy bất ngờ hơn. Vùng đất nơi chúng tôi đến, cuộc sống của người dân chỉ mang tính chất như những bộ lạc được thấy qua phim ảnh. Nhà cửa toàn bộ là nhà tranh vách đá, không có bất cứ sự kiên cố nào”.
Nhớ lại về kỷ niệm đó, Thiếu tá Dương trầm giọng: “Trước khi sang, tôi chưa từng tưởng tượng được những điều đó, một đất nước rất rộng, diện tích gấp khoảng 4 - 5 lần diện tích Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 5 triệu người, bằng gần 1/20 của mình. Tối đến, khi đi tuần, cảnh tượng thường thấy là mỗi đại gia đình khoảng 20 người ngồi vây quanh đống lửa, chỉ có vài mảnh chăn mỏng. Căn nhà chỉ là túp lều khoảng 10 m2 được dựng lên”. Ở Trung Phi, lương thực chính của người dân là sắn. Do đặc thù đất nước đang nội chiến, họ không thể ổn định canh tác, nay đây mai đó để tránh xa khỏi vùng chiến sự. Liên hợp quốc có hỗ trợ lương thực cho người dân nhưng với những vùng xa xôi, không thể đủ giải quyết toàn bộ nhu cầu.
Làm việc tại một đất nước thường xuyên xảy ra giao tranh, nội chiến, chỉ khi người lính hoàn thành nhiệm vụ, trở về nước mới có thể xác định được mình đã tuyệt đối an toàn. Không ai có thể biết chắc chắn được điều gì sẽ xảy đến với mình ngày mai. “Ai đi cũng không bao giờ mong muốn điều gì bất trắc xảy ra với mình, nhưng đã đi làm nhiệm vụ là phải xác định là mình có thể sẽ rơi vào tình huống giao tranh. Đó là điều phải chấp nhận. Quan trọng là chúng tôi phải chấp hành những nguyên tắc. Vùng an ninh của Phái bộ được đánh dấu mức độ kí hiệu qua màu sắc, vùng xanh là vùng an toàn, vùng vàng là có bất trắc và vùng đỏ là vùng nguy hiểm. Khi tới làm việc ở những khu vực được đánh dấu là vùng vàng và vùng đỏ, quy định là phải mặc áo giáp và đội mũ bảo hiểm. Mình luôn phải tự bảo vệ bản thân trước khi chờ đợi sự bảo vệ của lực lượng an ninh Liên hợp quốc”, anh Dương chia sẻ.
Tết xa quê của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam
Tác phong gần dân là một trong những điểm dễ nhận thấy ở người lính Bộ đội cụ Hồ, điều này thể hiện rõ nét ở sự thân thiện của sĩ quan Việt Nam tại các Phái bộ. Thiếu tá Đinh Đức Long nhớ lại: “Các đồng chí Việt Nam gần như ai cũng để lại ấn tượng tốt cho bạn bè quốc tế, không chỉ với người dân mà với tất cả cán bộ, nhân viên trong Phái bộ. Họ cũng rất yêu thích món ăn Việt Nam, gần như là ai cũng cũng có hiểu biết nhất định về một vấn đề nào đó về Việt Nam”. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, anh cũng đã cùng với hai sĩ quan Việt Nam tìm tòi nguyên vật liệu để gói bánh chưng, rán nem và có mời đồng nghiệp trong Phái bộ cũng như người dân gần đó cùng thưởng thức. “Vị Trưởng phòng Huấn luyện người Serbia rất thích những món ăn của Việt Nam, dù chúng tôi nấu nướng chưa được tròn vị lắm, nhưng được cái là lạ”, anh Long cười nói.
“À, cà phê của Việt Nam thì nổi tiếng luôn!”, Thiếu tá Long bắt đầu câu chuyện ẩm thực với dòng suy nghĩ mới về một kỷ niệm vui tại Phái bộ MINUSCA: “Đợt 22/12, chúng tôi có xin phép Phái bộ làm một lễ kỷ niệm nhỏ trong Phòng giao ban, cũng là để giới thiệu về Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi nói chuyện, câu hỏi đầu tiên chúng tôi nhận được là: “Các anh sẽ mời cà phê chứ?”, bởi người phương Tây thường rất thích uống cà phê, và cà phê Việt Nam thơm nức mũi, cho nên cứ pha cà phê là biết ngay cà phê Việt Nam”.
Tết cổ truyền Việt Nam ở Cộng hòa Trung Phi là một kỷ niệm khiến Thiếu tá Dương nhớ mãi: “Khi đón Tết xa nhà, chúng tôi không được nghỉ làm việc, vì chỉ là Tết của mình thôi, không phải ngày nghỉ ở đất nước họ. Tuy nhiên, anh em cũng cố gắng để đem tới một chút hơi ấm của quê hương ở đó”. Một bàn thờ nhỏ với tượng Bác, ảnh Bác, cờ Tổ quốc và mâm ngũ quả đã được các anh cố gắng sắp xếp. “Mâm ngũ quả có chuối, cam, táo và hai loại quả địa phương mà mình cũng không biết tên, chỉ biết cố gắng đủ năm loại để gọi là ngũ quả. Ngoài ra, chúng tôi có nấu xôi và một con gà để cúng Giao thừa”, anh Dương kể.
Dịp Tết đó, nỗi nhớ nhà của Thiếu tá Dương cũng được vơi đi phần nào khi ở Việt Nam, Cục Gìn giữ hòa bình có tổ chức một sự kiện “cầu truyền hình”, kết nối người thân và các sĩ quan gìn giữ hòa bình đang công tác ở các Phái bộ: “Khi đó, vô cùng xúc động, dù chênh lệch múi giờ, khi ở Việt Nam là đêm Giao thừa, ở bên này tầm 3 giờ sáng, nhưng được nói chuyện với gia đình qua một chương trình ý nghĩa, chúng tôi đều cảm thấy được động viên rất nhiều, dù bình thường vẫn duy trì được liên lạc, nhưng trong hoàn cảnh là Tết cổ truyền, lại phải xa nhà và nhìn thấy vợ con qua màn hình nhỏ vẫn tạo nên sự xúc động riêng”.
Bài 3: Nghiên cứu mở rộng hình thức tham gia