Bên cạnh việc đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong khuôn khổ ASEAN, AIPA, ASEM, APEC, APPF… Việt Nam còn hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ thứ hai Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021; tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025; đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26)...
Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đánh giá, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư ra đời năm 2018, cùng với đó là đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã thể chế hóa chủ trương hết sức quan trọng trong đường lối đối ngoại, đó là đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Ngay sau khi Chỉ thị 25 ra đời, Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả của ngoại giao đa phương với việc tổ chức rất thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, chủ trì năm Chủ tịch ASEAN 2020, đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việc nắm giữ những vai trò quan trọng như vậy thể hiện rõ Việt Nam thực sự là một thành viên trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua đường lối đối ngoại giai đoạn mới, Việt Nam đã nhận được nhiều tin vui về đối ngoại đa phương trong năm 2021. Bên cạnh việc tiếp tục đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử, chỉ định, tham gia rất nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc. Điển hình là Việt Nam tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, được bầu vào Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới.
Cũng trong năm 2021, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) diễn ra tháng 11/2021: Giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí mêtan vào năm 2030 so với năm 2020. Những cam kết mạnh mẽ này đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam là một thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm. Đồng thời thể hiện rõ việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
“Tất cả những vai trò trên cùng việc tích cực đưa ra những sáng kiến, đề xuất giải quyết những vấn đề toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện tính đúng đắn của đường lối đối ngoại nói chung cũng như chủ trương nâng tầm hiệu quả đối ngoại đa phương nói riêng được đề ra trong Chỉ thị 25 cũng như đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là những dấu ấn hết sức quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước giai đoạn mới. Cùng với đó, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy mối quan hệ song phương với các nước có vai trò chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển chung của nhân loại”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định.
Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an
Nhìn lại năm 2021, có thể nói, dấu ấn nổi bật nhất của đối ngoại đa phương là việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đóng góp nhiều sáng kiến, đề xuất vào cơ chế đa phương này.
Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế hai năm qua diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng kéo dài và gia tăng ở nhiều điểm nóng tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, Đông Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ La tinh… cùng với đó là hệ lụy đa chiều của các thách thức an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia..., Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đạt được toàn bộ các mục tiêu, phương châm đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Cụ thể, Việt Nam đã đề xuất và được Hội đồng Bảo an thông qua 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch về Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; Tuyên bố Hà Nội về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Các sự kiện và văn kiện do Việt Nam chủ trì đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các nước, trong đó Nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu được 65 nước và tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đồng bảo trợ (chỉ có 1% số Nghị quyết của Hội đồng Bảo an có được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an ở mức tuyệt đối như vậy). Lần đầu tiên, Hội đồng Bảo an đưa ra Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương Liên hợp quốc; Tuyên bố Hà Nội được hơn 60 nước đại diện cho 5 châu lục tuyên bố đồng bảo trợ.
Cũng theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt, trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam luôn nêu rõ lập trường nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, quan tâm đến lợi ích chính đáng và tiếng nói của các bên liên quan, qua đó tạo dựng được ý kiến đồng thuận. Lần đầu tiên, một tổ chức khu vực đã được thúc đẩy, vai trò, tiếng nói tại Liên hợp quốc.
“Việt Nam đã thúc đẩy tăng cường vai trò, tiếng nói, sự hiện diện của ASEAN tại Liên hợp quốc. Khi bàn thảo về vấn đề Myanmar, Việt Nam luôn mời đại diện của ASEAN tham gia phát biểu, chia sẻ quan điểm, đánh giá về tình hình ở Myanmar. Đây là vấn đề rất mới, bởi bắt đầu từ năm 2020, ASEAN mới hiện diện và đóng góp ý kiến tại Hội đồng Bảo an”, ông Đỗ Hùng Việt chia sẻ.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người vừa tái đắc cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027 cho rằng, đóng góp lớn nhất của Việt Nam ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là thúc đẩy tiến trình xây dựng lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việt Nam cũng nói lên tiếng nói của các nước đang phát triển để giải quyết xung đột ở những “điểm nóng” như Sudan, Ethiopia và một số nước khác. Cũng lần đầu tiên, Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy ngày 27-12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh theo sáng kiến của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Đức còn đồng sáng kiến thành lập Câu lạc bộ các nước về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, với sự tham gia của 112 nước.
Có được thành công này là nhờ Việt Nam đã luôn kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế được Đại hội Đảng XII và XIII, cũng như Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư đề ra; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét qua năng lực điều hành chuyên nghiệp, khéo léo, cân bằng của Việt Nam trong hai lần làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021. Việt Nam đã thúc đẩy tham vấn trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên để tìm điểm đồng, hướng tới đoàn kết, đồng thuận trong Hội đồng Bảo an, từng bước đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, trung gian hòa giải trong một số vấn đề phức tạp tại diễn đàn quan trọng hàng đầu về hòa bình, an ninh quốc tế này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang khẳng định, những yếu tố quan trọng tạo nên thành công nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an của Việt Nam lần này là sự tham gia của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo sát sao, tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Cấp cao của Đảng và Nhà nước; sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành hữu quan; sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong nước và sự tín nhiệm, hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị được tiến hành bài bản, công phu từ sớm, từ xa, kế thừa những kinh nghiệm thành công từ nhiệm kỳ đầu tham gia Hội đồng Bảo an (2008-2009), đặc biệt về tổ chức lực lượng, công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, cơ chế phối hợp, phân cấp quyết định.
Đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ thứ hai 2020-2021, Việt Nam đã tham gia thực chất, thiết thực vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, được Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế, trong nước đánh giá cao. Việt Nam đã đóng góp trách nhiệm vào quá trình bàn thảo, tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn ngừa và khắc phục hậu quả xung đột, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cách tiếp cận toàn diện, nhân văn về con người, để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương Việt Nam.