Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo - một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Đảng, Nhà nước và Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đối với thanh niên và công tác thanh niên. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục ghi nhận, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp đối với thanh niên, công tác thanh niên.
Quốc hội đã ban hành Luật Thanh niên năm 2020, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tạo cơ chế, chính sách để chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội Việt Nam thành lập Nhóm Nghị sĩ trẻ từ khóa XIII, tạo diễn đàn để các Đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Quốc hội, đặc biệt là trong hoạch định chính sách cho giới trẻ.
Đảng, Nhà nước ta coi chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Nghị quyết số 52- NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, các nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và có tính đến bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.
Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối của Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Tiếp sau việc đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2016) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc đăng cai Hội nghị lần này với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Hội nghị góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh Nghị viện/Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ
Với tính chất và ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này, từ đầu năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo các công việc liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị. Tham gia Ban Tổ chức ngoài các thành viên Quốc hội còn có các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan. Ban Tổ chức đã thành lập Ban Thư ký Quốc gia và 3 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Lễ tân - Hậu cầu - An ninh - Y tế, Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền để triển khai các nhiệm vụ được giao.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị khẳng định, công tác chuẩn bị về mặt nội dung và các điều kiện bảo đảm đã cơ bản hoàn tất. Với phương châm “hữu nghị, trọng thị, chu đáo, an toàn và tiết kiệm”, công tác chuẩn bị Hội nghị đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm cả về nội dung, hậu cần, lễ tân và an ninh, y tế. Hội nghị chắc chắn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình đối với bạn bè quốc tế.
So với 8 lần tổ chức trước đây, đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 500 đại biểu tham dự, trong đó có hơn 300 đại biểu quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình Hội nghị có nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, nhiều hoạt động bên lề như các tọa đàm, triển lãm do thanh niên tổ chức.
Quốc hội Việt Nam đã chuẩn bị rất chu đáo và có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức Hội nghị. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất quan tâm và chỉ đạo sâu sát trong suốt quá trình chuẩn bị tổ chức Hội nghị. Quốc hội Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các bên liên quan nhằm bảo đảm công tác chuẩn bị tổ chức đạt kết quả tốt nhất.
Dự kiến, các địa biểu sẽ thông qua Tuyên bố Hội nghị. Đây sẽ là Tuyên bố Hội nghị đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU qua 8 kỳ hội nghị. Tuyên bố Hội nghị sẽ là lời hiệu triệu mang tính chính trị cao và là cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ, thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu của IPU có logo Hội nghị riêng.
Chia sẻ với báo chí trong nước và quốc tế trước thềm Hội nghị, đại diện Ban Thư ký Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của IPU, bà Zeina Hilal bày tỏ sự cảm kích và ấn tượng trước vai trò chủ nhà của Quốc hội Việt Nam trong chuẩn bị tổ chức Hội nghị. Theo bà Zeina Hilal, Quốc hội Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò tích cực, đầy trách nhiệm, chuyên nghiệp trong công tác tổ chức Hội nghị mà còn thể hiện vai trò lãnh đạo, dắt dắt trong các nỗ lực thúc đẩy trao quyền cho thanh niên. Điều này có thể thấy thông qua số lượng đại biểu quốc tế đăng ký tham dự Hội nghị năm nay rất cao, với hơn 300 đại biểu quốc tế.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là minh chứng sinh động cho mối quan hệ thân thiết, hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội Việt Nam - IPU. Bà Zeina Hilal đánh giá cao việc Việt Nam đã lồng ghép rất hiệu quả chủ đề của Hội nghị vào các phiên thảo luận. Bà bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị lần này.