Việt Nam trong 'Ngôi nhà chung' AIPA - Bài 3: Tăng cường hợp tác nghị viện ứng phó với dịch COVID-19

Cùng với ASEAN, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) là nhân tố quan trọng với những đóng góp tích cực cho tiến trình liên kết khu vực và quá trình hợp tác cùng phát triển của các nước ASEAN.

Do đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đe dọa, thậm chí đẩy lùi những nỗ lực, thành tựu cộng đồng đạt được trong suốt thời gian qua, hành động kịp thời của nghị viện các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu, chương trình vì sự phát triển bền vững trong tương lai của khu vực. 

Bảo vệ Ngôi nhà chung ASEAN

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41. Ảnh: TTXVN

Ngay từ tháng 3/2020, Trong Thư gửi các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân sớm đề xuất Nghị viện thành viên AIPA chung tay bảo vệ Ngôi nhà chung ASEAN trước đại dịch COVID-19. Với tư cách Chủ tịch AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam kêu gọi tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau của cộng đồng các nước ASEAN trước đại dịch COVID-19.

“Mỗi nghị viện thành viên AIPA đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN đối phó với đại dịch bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, thông qua các biện pháp và chính sách do Chính phủ đề xuất nhằm ứng phó dịch bệnh; tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân. Là những nghị sỹ, chúng ta cần tiếp tục lan tỏa thông điệp đoàn kết, yêu thương, động viên mọi người dân và nhất là những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch”, Chủ tịch AIPA 41 nêu rõ.

Bên cạnh việc đề xuất nâng cao nhận thức về vai trò của AIPA trong phòng, chống các tình huống đại dịch, thảm họa còn đang tiếp diễn, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình và cùng với sự ủng hộ, đồng lòng của các Nghị viện thành viên AIPA để đem lại thành công của Năm Chủ tịch, vì một môi trường sống hòa bình, an toàn, hạnh phúc cho người dân và sự phát triển bền vững, thịnh vượng của mọi quốc gia ASEAN và trên toàn thế giới.

Trên tinh thần đó, tại Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Chủ tịch AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó hiệu quả với các thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra; đồng thời chia sẻ sâu sắc với những tổn thất to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN. 

Trên cơ sở đoàn kết, thống nhất, Chủ tịch AIPA 41 ủng hộ việc triển khai trên thực tế các sáng kiến của ASEAN, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN trong triển khai giải pháp kiểm soát, ứng phó với đại dịch, nâng cao năng lực quốc gia sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp, bảo đảm sức khỏe, tính mạng và an sinh của người dân, khôi phục an toàn hoạt động kinh tế, duy trì sự ổn định về phát triển trong toàn khu vực.

Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao trùm và tự cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu rõ, trước mắt, ASEAN cần tập trung các nguồn lực cho việc tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN sau đại dịch COVID-19; duy trì cam kết mở cửa thị trường thương mại và đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng; bảo đảm an ninh lương thực, khả năng tiếp cận các loại thuốc và vật tư y tế với giá phù hợp và ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, các nước ASEAN thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi hàm lượng tri thức cao và kinh tế số, góp phần nâng cao năng lực tự cường của nền kinh tế khu vực và thế giới trong các tình huống đại dịch.

Về văn hóa-xã hội, AIPA khuyến khích việc ban hành kịp thời những chính sách về giáo dục, thất nghiệp, cải thiện hệ thống y tế công, trong đó nâng cao khả năng tiếp cận vaccine và các nhu yếu phẩm, trợ giúp cho các đối tượng dễ bị tổn thương và gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Với quyết tâm chung của ASEAN, AIPA, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khẳng định: “Chúng ta sẽ cùng nhau đưa con thuyền ASEAN vượt qua mọi giông bão và bước vào con đường phát triển mới đầy tươi sáng”. Chủ tịch AIPA 41 tin tưởng, với ý chí và nghị lực, nhân dân ASEAN sẽ đẩy lùi được đại dịch, khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội; đưa Cộng đồng ASEAN tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển bền vững, thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.

Giảm tác động kinh tế của dịch COVID-19

Trên tinh thần bảo vệ Ngôi nhà chung ASEAN, nghị viện các nước thành viên ASEAN tích cực hưởng ứng, nỗ lực vào cuộc nhằm bảo vệ người dân, khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu tại cuộc họp trực tuyến “Vai trò của Nghị viện trong hợp tác quốc tế chống đại dịch COVID-19”, ngày 21/4/2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Tại cuộc họp “Vai trò của Nghị viện trong hợp tác quốc tế chống đại dịch COVID-19” vào cuối tháng 4/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia Fadli Zon cho biết, trước tác động của đại dịch COVID-19, Indonesia cũng như nhiều nước trong khu vực đang gặp khó khăn về tài chính. Theo dự báo, khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài và có những tác động nghiêm trọng hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia cho rằng, các nghị sĩ cần phát huy vai trò giám sát việc triển khai các biện pháp phòng chống, phân bổ ngân sách cho hoạt động kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch; tăng cường tuyên truyền vận động người dân trong việc chống nạn tin giả trong đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ một số biện pháp Chính phủ các nước triển khai trong phòng, chống dịch, cũng như hành động của Nghị viện các nước để ứng phó với dịch bệnh. Trước những thay đổi sâu sắc do đại dịch COVID-19 gây ra ở nhiều quốc gia và trên thế giới, các Chính phủ, Nghị viện trong khu vực và trên toàn cầu thống nhất cần đoàn kết, hợp tác cùng hành động, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân; đồng thời cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch.

Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kêu gọi các Nghị viện thành viên trong AIPA chủ động hơn nữa nhằm đồng hành cùng Chính phủ đối phó với đại dịch COVID-19 thông qua việc phát huy vai trò của Nghị viện, ban hành các biện pháp và chính sách nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan. Với vai trò Chủ tịch AIPA 2020, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ các nội dung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Tuyên bố Hội nghị đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết của các nước thành viên ASEAN, trên tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng" của ASEAN, nhằm tiếp tục đoàn kết, chung tay kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong khi giảm thiểu các tác động của đại dịch lên đời sống của nhân dân, xã hội và nền kinh tế các nước trong khu vực.

Tương tự, tại Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 11 diễn ra vào ngày 14/8, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cộng đồng ASEAN cũng như các nước trên thế giới ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân. Bên cạnh việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ASEAN cần giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng hồi phục kinh tế trong giai đoạn đại dịch bệnh.

Trong bối cảnh này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh nêu rõ, việc tăng cường hợp tác Nghị viện, thể hiện tinh thần đồng hành của các Nghị viện thành viên AIPA với Chính phủ các nước ASEAN nhằm kịp thời ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng là hết sức cần thiết. 

Tại đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam chủ động đề xuất khuyến nghị đối với các Nghị viện thành viên AIPA; khẳng định quyết tâm nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, ủng hộ việc triển khai sáng kiến của ASEAN nhằm ứng phó, phối hợp khu vực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, tính mạng và ổn định cuộc sống của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời đảm bảo sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, Nghị viện thành viên AIPA tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung cứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn.
 
AIPA duy trì biện pháp phòng ngừa, ứng phó với đại dịch COVID-19, kịp thời ban hành chính sách về giáo dục, thất nghiệp, cải thiện hệ thống y tế công, trong đó có nâng cao khả năng tiếp cận vaccine và các nhu yếu phẩm, trợ giúp cho đối tượng dễ bị tổn thương và gặp khó khăn do dịch COVID-19. Các chính sách phù hợp được triển khai nhằm giảm tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đến ngành, nghề trong ASEAN, đặc biệt du lịch thông qua gói kích thích kinh tế, cơ hội việc làm.

Nghị viện các nước AIPA cam kết thúc đẩy việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đồng thời, các nước tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với đối tác khác.

Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN, các nước tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thư tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch bệnh COVID-19.

Cùng với đó, Nghị viện thành viên AIPA thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông; tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các tiểu vùng khác của khu vực ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch COVID-19.

Trước những thay đổi sâu sắc do đại dịch COVID-19 gây ra ở nhiều quốc gia và trên thế giới, việc đoàn kết, hợp tác cùng hành động kịp thời của các Chính phủ, Nghị viện trong khu vực và trên toàn cầu góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân; vì một môi trường sống hòa bình, an toàn, hạnh phúc cho người dân và sự phát triển bền vững, thịnh vượng của mọi quốc gia ASEAN và trên toàn thế giới.

Bài 4: Đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN bền vững

Diệp Trương (TTXVN)
Việt Nam trong 'Ngôi nhà chung' AIPA - Bài 4: Đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN bền vững
Việt Nam trong 'Ngôi nhà chung' AIPA - Bài 4: Đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN bền vững

Đại hội đồng AIPA 40 diễn ra vào tháng 8/2019 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan với chủ đề “Đối tác Nghị viện vì sự tiến bộ vì cộng đồng bền vững”. Lãnh đạo các thành viên AIPA đã ký Thông cáo chung, cam kết thực hiện nghiêm túc 29 Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng lần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN