Trưởng thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ trả lời phỏng vấn. Ảnh: Đăng Chính - P/v TTXVN tại Ấn Độ. |
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Trung Thướng, Trưởng đại diện thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ.
Theo ông Bùi Trung Thướng, kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ ký Hiệp định Quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do về hàng hóa (AITIG) trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ có hiệu lực năm 2010, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đã tăng hơn 5 lần trong 10 năm qua. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng từ 1,01 tỷ USD năm 2006 lên 5,56 tỷ USD năm 2015. Nếu tính từ năm 2010, khi AITIG có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 2 lần từ 2,7 tỷ USD lên 5,56 tỷ USD. Trong năm 2015, do nhu cầu trên toàn cầu giảm, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ có giảm chút ít, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng từ 2,46 tỷ USD lên 2,47 tỷ USD.
Ông Bùi Trung Thướng cho biết các hiệp định trên đã mang lại lợi thế tốt cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 18 lần. Nếu như cả năm 2006, Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu USD hàng hóa sang Ấn Độ thì đến năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,47 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 233%/năm. Gần đây, khi AITIG được triển khai, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng từ 993 triệu USD năm 2010 lên 2,47 tỷ USD năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 30%/năm. Điều đặc biệt nữa mà các hiệp định này mang lại là cán cân thương mại giữa hai nước dần cân bằng. Những năm trước, Việt Nam thường phải nhập siêu lớn từ Ấn Độ nhưng đến năm ngoái, cả năm Việt Nam chỉ nhập siêu 190 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu 33 triệu USD sang Ấn Độ, mốc lịch sử từ khi hai bên thiết lập quan hệ thương mại.
Theo ông Bùi Trung Thướng, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng như dệt may, sản xuất máy móc - thiết bị, nông nghiệp và y tế.
Trong lĩnh vực dệt may, Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là kể từ sau năm 2010 khi AITIG có hiệu lực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may và sản phẩm may mặc từ Ấn Độ trị giá 423 triệu USD năm 2013, và lên tới khoảng 402 triệu USD năm 2015. Nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Ấn Độ được đánh giá khá cao về giá cả, mẫu mã, chất lượng.
Trong lĩnh vực sản xuất máy móc-thiết bị, các doanh nghiệp Ấn Độ trong thời gian gần đây đánh giá Việt Nam có thể trở thành một đầu mối mới cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, máy móc, phụ tùng, thiết bị của nước này. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được hai nước ký kết, đồng thời nhiều tập đoàn của Ấn Độ như Tata Motors, Mahindra, Eicher, Escort… đã cử đại diện sang Việt Nam trao đổi và gặp gỡ đối tác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y và Thỏa thuận về hợp tác xây dựng trang trại cá tra; tiếp tục trao đổi thông tin liên quan tới vệ sinh kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh giữa hai nước để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật; tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong công nghệ sinh học, làm vườn, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp.
Ngoài ra, dược phẩm và y tế là hai lĩnh vực có thế mạnh của Ấn Độ. Theo số liệu của Cơ quan xúc tiến xuất khẩu thuốc và dược phẩm Ấn Độ, xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 25 tỷ USD trong năm tài chính 2014-2015. Trong khi đó, trong năm 2015, Việt Nam cũng nhập khẩu trên 2,3 tỷ USD thuốc và dược phẩm. Gần đây, một số công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất một số thuốc đặc trị với giá thấp và nếu được cho phép nhập khẩu, nhiều bệnh nhân sẽ được hưởng lợi, tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia. Về lĩnh vực y tế, Việt Nam và Ấn Độ đang tiếp tục triển khai hợp tác trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát, phòng ngừa các dịch bệnh mới, tăng cường công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Mặc dù thương mại song phương đã tăng mạnh trong thời gian gần đây song kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai nước. Để có thể tạo đột phá về thương mại, cả hai bên cần quan tâm giải quyết một số vấn đề như: từng bước dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư lẫn nhau; hỗ trợ giải quyết các vướng mắc khi thực thi các dự án đầu tư.