Lễ trao Giải báo chí quốc gia 2013 đã diễn ra vào tối 21/6 tại Hà Nội
đúng dịp kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21
/6/2014). Các đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn
Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang
Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; các đồng chí Uỷ viên
Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể cùng đông đảo các nhà
báo đã dự Lễ trao giải.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc
mừng các tác giải đoạt giải. Ảnh: chinhphu.vn
|
Chương trình Lễ trao giải được
tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1, sóng VTV6 của Đài Truyền hình Việt
Nam và Đài tiếng nói Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ trao
Giải, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đinh Thế Huynh nhiệt
liệt chúc mừng những người làm báo trong cả nước, chúc mừng thành tựu
chung của giới báo chí và các nhà báo vinh dự được nhận giải báo chí
Quốc gia 2013.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao vai
trò của báo chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như
trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. "Báo chí đã đi dầu
trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phần thưởng cao quý nhất:
Huân chương Sao vàng mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng lực lượng báo chí
cách mạng Việt Nam nhân kỷ niệm 85 năm ngày báo Chí cách mạng Việt Nam
là sự ghi nhận những đóng góp to lớn đó", đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn
mạnh.
Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Trong bối cảnh tình
hình thế giới và trong nước hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí là
hết sức nặng nề, đồng chí đề nghị đội ngũ những người làm báo tiếp tục
tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của
Nhà nước, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Hiến pháp
năm 2013, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Chỉ thị của Bộ Chính
trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
"Báo chí phải góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong
Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi hai nhiệm
vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát
hiện, cổ vũ, động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương
người tốt việc tốt, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
tộc, củng cố và làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự
nghiệp đổi mới, vào tương lai đất nước", đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn
mạnh.
Báo chí cần tăng cường công tác thông tin tuyên
truyền đối nội và đối ngoại, giới thiệu với nhân dân thế giới và đồng
bào ta ở nước ngoài hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, về công
cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm không gì lay
chuyển nổi và chính nghĩa sáng ngời của Việt Nam trong cuộc đấu tranh
bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc;
đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước,
tinh thần hoà hiếu, hữu nghị của nhân dân ta với các dân tộc khác, với
nhân dân các nước láng giềng, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân
dân thế giới, đó là dòng thông tin chủ lưu của báo chí cả nước, của mỗi
cơ quan báo chí, mỗi ấn phẩm, mỗi chương trình phát thanh, truyền hình,
mỗi trang thông tin điện tử.
Báo chí tiếp tục đẩy mạnh
đấu tranh phòng chống quan liêu tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ
nạn xã hội với một tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, góp phần ngăn
chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
trong Đảng và trong xã hội. Báo chí phải là một lực lượng nòng cốt đấu
tranh chống âm mưu diễn biến hoà bình, đấu tranh phản bác các thông tin
và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đồng chí Đinh Thế Huynh
bày tỏ tin tưởng báo chí tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong 89
năm qua, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với sự tin
cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân...
Các đồng chí Đinh
Thế Huynh và Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao 8 giải A trong số 11
loại giải cho các tác giả, nhóm tác giả bao gồm: Giải Tin, bài phản ánh,
phỏng vấn (báo in) cho nhóm tác giả: Phan Thanh Phong, Hồng Minh, Hà
Hiền Giang, Nguyễn Ninh, Hồ Cúc Phương, Mai Nguyên (Liên chi hội Nhà
báo Báo Nhân dân) với loạt bài "Nơi bắt đầu Tổ quốc"; Giải xã luận, bình
luận, chuyên luận (báo in) cho nhóm tác giả Đức Chuyên, Khánh Ly (Hội
nhà báo tỉnh Nghệ An) với loạt bài " Xung quanh vụ việc vi phạm pháp
luật ở Nghi Phương"; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi
chép (Báo in) cho nhóm tác giả Bùi Trung Chính, Nguyễn Đại Hoàng, Nguyễn
Hữu Nùng, Mai Tâm Hiếu (Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân dân) với loạt
bài "Than lậu ở Quảng Ninh"; Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình
luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (phát thanh)
cho nhóm tác giả: Vũ Tài Dũng (Vũ Dũng), Vũ Hồ Điệp (Hồ Điệp), Nguyễn
Hằng Nga (Liên chi hội Đài tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm "40 năm ký
kết Hiệp định Paris: Đỉnh cao thắng lợi ngoại giao Việt Nam"; Giải phóng
sự, phóng sự điều tra, bút kí (phát thanh) cho nhóm tác giả Phan Thanh
Hà, Lê Hải Sơn, Văn Lê Phúc ( Liên chi hội Đài tiếng nói Việt Nam) với
tác phẩm "Lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước- Nhìn từ cuộc tranh
giành nước ở miền Trung"; Giải tin, phóng sự, ký sự (Báo hình) cho nhóm
tác giả Chu Huy Thông, Nguyễn Hoàng Long, Trần Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn
(Liên chi hội Đài truyền hình Việt Nam) với tác phẩm " Chuyện buồn của
ngành cơ khí"; Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (báo hình) cho nhóm tác
giả Đặng Diễm Quỳnh, Đỗ Bạch Dương, Phạm Tuyết Nhung, Lê Hương Giang,
Phạm Thu Hiền, Đặng Hải Bằng, Nguyễn Anh Ngọc, Huỳnh Ngọc Linh, Phạm Lan
Anh, Nguyễn Văn Phong, Đỗ Ngọc Sơn, Trần Lê Minh, Phạm Tuấn Bình, Lương
Ngọc Minh, Phạm Ngọc Khánh, Lê Quốc Anh (quay phim), Trần Việt Hưng,
Phạm Bạch Dương, Tạ Minh Phương, Trần Thu Hương, Ngô Thành Vũ ( Liên chi
hội Đài truyền hình Việt Nam) với Cầu truyền hình trực tiếp “Biển đảo
của chúng ta”; Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận (Báo điện
tử) cho nhóm tác giả Nguyễn Văn Tú (Văn Tú), Trương Quang Nam, Trần Ngọc
Quyền (Ngọc Quyền), Trần Thị Duyên (Tâm Ngọc) thuộc Liên chi hội Báo
Thanh niên với loạt bài "25 năm hải chiến Trường Sa".
Theo Ban tổ chức, Giải báo chí quốc gia năm 2013 thu hút 1.665 tác phẩm
của tác giả, nhóm tác giả ở các cơ quan báo chí trong nước dự thi; đã có
115 tác phẩm xuất sắc được trao giải, trong đó có 8 giải A, 28 giải B,
41 giải C và giải Khuyến khích. Đây cũng là năm có số lượng tác phẩm
báo chí đạt giải A cao nhất từ trước tới nay với 8 tác phẩm xuất sắc
trong số 11 loại giải. Có 3 thể loại không có giải A, đó là Ảnh báo chí,
Phim tài liệu truyền hình (Báo hình) và Phóng sự, phóng sự điều tra
(báo điện tử).
Ban tổ chức Giải đánh giá, các cơ quan báo
chí, phóng viên, nhà báo đã nỗ lực tìm tòi phát hiện, phản ánh mọi khía
cạnh của đời sống xã hội, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tập trung
tuyên truyền, cổ vũ thực hiện chủ trương và đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phanh phui, phê phán các hiện
tượng tiêu cực, chống tham nhũng, chống các luận điệu sai trái thù địch,
thực hiện chức năng phản biện xã hội, là diễn đàn của nhân dân.