Theo Ủy ban nhân dân Xã An Bình, con nước triều cường trong các ngày 28 - 29/9 đã khiến 80 ha vườn cây ăn trái bị ngập, có nguy cơ giảm chất lượng và năng suất; trên 100 căn nhà của người dân bị ngập nước, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.
Ngay khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã huy động lực lượng tại chỗ cùng nhân dân trong khu vực vỡ đê và tràn bờ tiến hành đốn cây làm cừ, thuê xe cuốc để gia cố bờ bao, khắc phục sự cố tạm thời. Đồng thời, Ban Chỉ huy vận động người dân triển khai nhiều biện pháp tháo nước ra khỏi nhà, vườn ngay khi nước triều cường rút nhằm giảm thiệt hại.
Anh Lê Thành Đẹp (xã An Bình, huyện Long Hồ) cho biết: Đợt này, nước triều cường ở đây dâng lên rất cao, bà con không đề phòng trước nên xảy ra sạt lở, nước tràn vào nhiều vườn cây. Ngay sau đó, chính quyền địa phương cùng với người dân đã tập trung gia cố tuyến đê bao, nhờ vậy đã kịp thời tháo nước ra ngoài, bảo vệ nhà cửa và vườn cây ăn trái. Do các vườn đang ra hoa, trái mà bị ngập nước nên bà con lo bị ảnh hưởng, giảm năng suất.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân xã An Bình Nguyễn Hữu Phước, cùng với các hoạt động hỗ trợ người dân khắc phục ngay ảnh hưởng của triều cường, xã cũng tích cực khảo sát các đoạn đê xung yếu để hỗ trợ phương tiện cơ giới đến gia cố, hạn chế thiệt hại trong những con nước tiếp theo. Hiện nay mối lo lớn nhất của địa phương là khu vực tiếp giáp với sông Tiền, sông Cổ Chiên - nơi thường xảy ra sạt lở, mỗi đợt triều cường lên nước dâng cao, gây ngập nhà dân rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc gia cố chỉ mang tính chất tạm thời, chưa đáp ứng được nhu cầu do khu vực này tiếp giáp sông lớn, với khả năng của xã không thể thực hiện được các công trình gia cố đảm bảo lâu dài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, trước tình hình triều cường dâng cao trong những ngày qua, địa phương đã khẩn trương hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục ảnh hưởng của triều cường. Các xã, thị trấn đã huy động tất cả nguồn lực, nhanh chóng khắc phục, gia cố những điểm bị sạt lở, tràn đê; tiến hành thống kê thiệt hại, đề xuất biện pháp khắc phục, hỗ trợ cho người dân. Để chủ động ứng phó với con nước sắp tới, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát toàn bộ các tuyến bờ bao, cống đập xung yếu, những điểm vừa gia cố khắc phục; theo dõi thường xuyên tình hình nước dâng tại những vị trí này... để kịp thời sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho người dân trong sản xuất, ổn định đời sống, nhất là người dân ở các xã cù lao.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận, đợt triều cường từ 28/9 - 1/10 vừa qua, mực nước tại các nơi trong tỉnh đạt đỉnh triều vào ngày 30/9 ở mức rất cao rồi xuống theo triều. Triều cường đạt đỉnh cao hơn báo động III từ 0,27 - 0,46m, trong đó mực nước tại trạm Mỹ Thuận cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 0,23m, vượt báo động III 0,32m và vượt mức lịch sử năm 2018 là 0,05m. Triều cường dâng cao đã gây thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh, ước thiệt hại khoảng 10,47 tỷ đồng.
Cụ thể, có 329 ha lúa Thu Đông bị ngập, 360 ha cây ăn trái và rau màu bị thiệt hại, 8 ha diện tích nuôi cá ao bị ngập. Toàn tỉnh có 353 tuyến bờ bao bị vỡ, tràn và hơn 70 km đường giao thông bị ngập. Triều cường cũng gây ngập 1.786 căn nhà, 8 điểm trường và 18 khu chợ.
Trong đợt triều cường này, các địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã tập trung chỉ đạo, phân công cán bộ bám địa bàn xung yếu để hỗ trợ khắc phục. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", các địa phương đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ tu sửa kịp thời các đập bị tràn, bị sạt lở; gia cố các bờ bao thủy lợi ở các khu vực lúa Thu Đông chưa thu hoạch; đồng thời huy động nhân dân cùng thực hiện giải pháp tháo nước, tôn tạo các đê bao nhỏ để đảm bảo an toàn cho nhà cửa, ruộng lúa và vườn cây ăn trái.