Đập thủy điện Xepian - Xe Nam Noy thuộc tỉnh Attapeu - Lào bị sự cố vỡ vào ngày 23/7/2018. Theo tính toán, dự báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, tác động của sự cố đến mực nước Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bắt đầu ghi nhận được tại trạm Tân Châu và Châu Đốc vào ngày 26/7, với mực nước sẽ tăng từ 2 - 4 cm, mức độ tăng lớn nhất từ 3 - 5 cm vào ngày 27/7.
Các ngành chức năng kiểm tra vùng ngập lũ tại huyện Tân Hưng, Long An. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN
|
Do tác động của sự cố vỡ đập và lũ đầu nguồn sông Mê Kông đang lên, kết hợp với kỳ triều cường cuối tháng 7 sẽ làm mực nước lũ nội đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh đến cuối tháng 7/2018, mực nước tại Tân Châu có thể đạt từ 2,6 – 3 m, tại Châu Đốc đạt từ 2,2 - 2,5m.
Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng thiệt hại do ngập lũ nội đồng, Tổng cục Thủy lợi đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập lũ. Đặc biệt là cho các diện tích lúa Hè Thu ngoài đê bao và đê bao chưa hoàn chỉnh, nhất là ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao; tổ chức gia cố tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ bị ngập lũ.
Các đơn vị cũng tăng cường theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành và thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương.
Cùng với đó là chủ động khai thác thông tin dự báo mực nước lũ nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cung cấp hàng ngày tại website: www.siwrp.org.vn hoặc gửi yêu cầu cung cấp bản tin dự báo (qua email) về địa chỉ email: dubaoluvqhtlmn.