Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở phố thị Tam Kỳ - Quảng Nam, lại bị hỏng cả hai mắt, nhưng thầy giáo Đặng Ngọc Duy đã dũng cảm vượt lên số phận để sống có ích cho đời.
Câu chuyện về đời mình được thầy giáo bắt đầu bằng hình ảnh người mẹ còm cõi quảy gánh hàng rong, người cha bước thấp bước cao kéo "xe bò" kiếm kế duy trì cuộc sống gia đình. Tuổi 13 khi vừa bước chân vào lớp sáu, một tai nạn ập đến đã cướp đi vĩnh viễn đôi mắt cùng hai ngón rưỡi bàn tay trái của Duy. Những hình ảnh thân thương về dòng Trường Giang, tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An... tất cả với Duy chỉ còn là hoài niệm.
Thế giới xung quanh đổ sụp đột ngột toàn màu đen mênh mông. Rơi vào nỗi u uất, tuyệt vọng, chán chường, hàng ngày, Duy chỉ biết làm bạn với chiếc đài bán dẫn. Sống trong sự cô đơn và tuyệt vọng nhưng khát khao được học tập, được hòa nhập cộng đồng không lúc nào nguôi ngoai trong tâm trí Duy. Thế rồi cơ may cũng đến khi ngôi trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - Đà Nẵng được thành lập. Theo học hết cấp tiểu học, Ngọc Duy khăn gói về quê. "Đây là lần thứ hai tôi rơi vào bế tắc như thủy thủ vượt biển mà không có la bàn - Duy tâm sự. Tôi tìm niềm vui ở nhóm bút Thiên Thanh. Khi ấy, những bài thơ chữ nổi của tôi đăng trên Áo trắng, Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò... là nguồn động viên tinh thần rất lớn”.
Tuy nhiên, Duy vẫn luôn day dứt vì làm thơ chỉ để giãi bày tâm sự chứ không giúp thay đổi cuộc đời. Duy kể: "Bức bối vì không giải thoát được mình, tôi lén nhà vào Nam, ra Bắc tìm hiểu thực tế những người cùng cảnh ngộ. Những chuyến đi dài đã cho tôi hiểu nhiều điều về cuộc sống và tự nhủ lòng như lời một nhà triết học: Hạnh phúc không có nghĩa đầy ắp tiếng cười mà có cả sự đau khổ".
Sau chuyến đi dài trở về, Duy quyết định tiếp tục đi học. Trong suốt chuỗi ngày học trò, nhờ sự dìu dắt ân cần của thầy, cô giáo, sự động viên của người thân và bạn bè, Duy đã vượt qua biết bao trở ngại để hoàn thành bậc học phổ thông. Năm 2002, tốt nghiệp THPT, Duy nhen nhóm hoài bão vào đại học nhưng ba mùa thi đã qua, ước mơ không thành hiện thực.
Mùa thi thứ tư, những nỗ lực liên tục của Duy đã được đền đáp, Duy đỗ và theo học ngành sư phạm ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam (nay là trường Đại học Quảng Nam). Khi ấy, nhà trường rất băn khoăn, khó hình dung trò Duy sẽ lĩnh hội tri thức như thế nào. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, chân thành của bạn bè, thầy cô, Đặng Ngọc Duy đã tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn.
Cầm tấm bằng trên tay, Đặng Ngọc Duy không đi xin việc như bao người khác mà suy nghĩ xây dựng đề án mở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Đây là mơ ước được thầy ấp ủ từ những ngày đi tìm hiểu thực tế. Thầy giáo trẻ Đặng Ngọc Duy tâm sự: “Tôi rất hiểu những gì cần cho trẻ khuyết tật. Tôi nghĩ chia sẻ khó khăn bất hạnh với em thơ cũng là tạo cho mình niềm tin yêu vào cuộc sống”.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, cơ sở mái ấm Hướng Dương của thầy giáo Đặng Ngọc Duy đã ra đời, đan xen giữa dạy văn hóa với các môn năng khiếu và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật. Hiện 20 phụ huynh đang tin tưởng gửi con em mình theo học tại mái ấm Hướng Dương. Dẫu còn gặp rất nhiều khó khăn, thầy giáo Đặng Ngọc Duy luôn vững tin vào con đường đã chọn, mang niềm vui sống đến với những mảnh đời bất hạnh.
Quỳnh Hoa