Ngày 21/4, tại Jakarta, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2015 (gọi tắt là WEF Đông Á 2015), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và là diễn giả của phiên thảo luận chung về thiết lập chương trình nghị sự châu Á nhằm đảm bảo lương thực trong tương lai.Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Giám đốc điều hành WEF Philipp Rosler bên lề Diễn đàn. Ảnh: Đỗ Quyên - P/v TTXVN tại Jakarta |
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, với chủ đề “Cách thức châu Á tranh thủ cơ hội mới để xây dựng cách tiếp cận chung của khu vực cho bảo đảm lương thực trong tương lai”, các diễn giả đã tập trung làm rõ an ninh lương thực là mối quan tâm chung của nhiều nước trên thế giới và châu Á, và phát triển nông nghiệp bền vững đóng vai trò then chốt để bảo đảm an ninh lương thực cũng như tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đề cập tới những nguy cơ và thách thức trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho một thế giới với dân số hơn 9 tỷ người vào năm 2050.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các chính phủ cần có cam kết mạnh mẽ đối với phát triển nông nghiệp, trong đó coi phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh và thân thiện với môi trường.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, cần có những chính sách phù hợp, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp thông qua quan hệ đối tác công-tư (PPP). Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác an ninh lương thực và nông nghiệp giữa các quốc gia; đẩy mạnh tìm các thị trường mới cho xuất khẩu nông sản và tăng cường hợp tác quản lý, khai thác bền vững các nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước trên các dòng sông quốc tế trong khu vực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, với Việt Nam, nông nghiệp có vị trí chiến lược trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhiều cải cách trong nông nghiệp. Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác với tổng kim ngạch gần 31 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam ủng hộ và đang tích cực triển khai nhiều sáng kiến toàn cầu và khu vực về nông nghiệp, trong đó có "Sáng kiến tầm nhìn mới trong nông nghiệp” do WEF khởi xướng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước sẽ mở ra các thị trường mới rộng lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, và bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư quốc tế tăng cường hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam.
TTXVN/Tin tức