Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đi vào thực thi. Cùng với cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc là điểm lạc quan mới cho kinh tế năm tới.
Bộ Công Thương phấn đấu xuất khẩu 2017 tăng cao hơn mức được giao là 6 - 7%. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Tuy nhiên, sức ép lạm phát sẽ tăng trở lại khi giá dầu và lương thực có xu hướng tăng. Cùng với đó, việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.
Trước những thuận lợi, khó khăn trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra 4 mục tiêu của ngành Công Thương góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2017 tăng 6,7%.
Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ phấn đấu đạt chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8 - 9%. Năm 2016, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%.
Thứ hai, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao là 6 - 7%, nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2016, xuất khẩu tăng 8,4% so với năm trước.
Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10 - 11%. Năm vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015.
Thứ tư, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân cả năm 2017 kiểm soát theo mức Quốc hội giao là khoảng 4%.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, năm tới sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.
Cùng với việc bỏ hàng loạt các thủ tục hành chính năm 2016, Bộ cho biết năm nay sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Trước thách thức FTA, đại diện ngành Công Thương cho hay sẽ khai thác có hiệu qủa các FTA để hỗ trợ tích cực doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ đưa ra chủ trương tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Bộ Công Thương cam kết cùng các bên liên quan giảm bớt các thủ tục hải quan, giúp các doanh nghiệp về thông tin và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại như kiện bán phá giá... Giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than.. cũng sẽ được điều hành linh hoạt trong năm 2017.