Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam:

Xây dựng báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại

Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Chú thích ảnh
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp các dự thảo văn kiện Đại hội. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Tham dự Đại hội, nhiều đại biểu đại diện cho những người làm báo cả nước đều thể hiện mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam với Ban Chấp hành mới sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.

Xác định rõ trách nhiệm của người làm báo

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa X Hồ Quang Lợi nhận định: Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam là một sự kiện hết sức quan trọng đối với giới báo chí cả nước. Từ Đại hội này sẽ truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm của các nhà báo. Báo chí làm nghề vì lợi ích của đất nước, nhân dân, theo phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật. Làm nghề báo là làm cách mạng và nhà báo là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng. Mỗi cấp Hội nhà báo, từng nhà báo sẽ góp sức để xây dựng một nền báo chí cách mạng, giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Theo ông Hồ Quang Lợi, để hoàn thành trách nhiệm to lớn của báo chí đối với đất nước thì trong thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam cần tăng cường xây dựng đội ngũ người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thông về nghề nghiệp; làm sao để trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, báo chí phải khẳng định vai trò không thể thay thế đối với đời sống xã hội; báo chí phải đi đầu trong việc nêu những gương điển hình tiên tiến, đồng thời đấu tranh chống lại những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái, từ đó có thể ảnh hưởng đến tình đoàn kết trong xã hội. 

"Đối với những thông tin độc hại trên mạng internet, báo chí phải bằng tinh thần trách nhiệm, đấu tranh để phản bác. Báo chí không thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, đạo đức làm nghề và với tinh thần lao động sáng tạo. Đó là điểm nhấn quan trọng nhất. Nghị quyết Đại hội nhà báo lần thứ XI bao gồm rất nhiều lĩnh vực, nhưng quan trọng nhất là xác định được trách nhiệm của người làm báo, đó là làm nghề vì lợi ích của đất nước và nhân dân", ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Kỳ vọng vào một Đại hội có tính bước ngoặt trong hoạt động, nhà báo Huỳnh Kiên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai, kỳ vọng: Với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Ban Chấp hành mới sẽ năng động hơn, làm báo hiện đại hơn và sẽ thúc đẩy sự nghiệp báo chí của nước nhà lên một tầm cao mới. Đồng thời, Điều lệ mới của Hội Nhà báo khóa XI sẽ thúc đẩy được hoạt động chung của báo chí, đồng thời là giải quyết được những mặt hạn chế, tồn tại của nền báo chí nói chung. Báo chí đồng thời với việc phát triển, tạo niềm tin của xã hội. 

Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ mong muốn, Đại hội sẽ bầu ra được một Ban Chấp hành mới, có những định hướng cho tương lai của báo chí Việt Nam, trong đó có sự đầu tư cho các mảng truyền thông kỹ thuật số và các xu hướng trên mạng xã hội, để các tờ báo có thể thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, thông qua đại hội, các đại biểu sẽ chia sẻ những mô hình phát triển kinh tế báo chí. Đây là vấn đề mang tính sống còn của rất nhiều đơn vị báo chí. Những mô hình, cách thức thực hiện được chia sẻ sẽ là kinh nghiệm để cho các nhà báo, các đơn vị báo chí có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn về việc phát triển kinh doanh của các tờ báo trong tương lai.

Thể hiện sự tin tưởng rằng Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục tinh thần, truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, luôn là chỗ dựa vững chắc của các nhà báo, cơ quan báo chí để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong hoạt động tác nghiệp báo chí, nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ninh, khẳng định: Ban Chấp hành mới của Hội sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo để đồng hành với sự phát triển của báo chí. Bởi, Hội không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của những người làm báo mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hội cũng là nơi đồng hành, chia sẻ với các cơ quan báo chí trong bối cảnh thực hiện quy hoạch báo chí, cũng như chuyển đổi số. 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ bằng lý thuyết suông 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí đó là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch. Nhiều nhà báo cho rằng trong nhiệm kỳ tiếp theo vấn đề này tiếp tục là định hướng lớn để các cơ quan báo chí thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Báo Quân đội Nhân dân, cho rằng do sự phát triển của mạng xã hội, các thông tin xấu, độc, nhất là các thông tin xuyên tạc về đường lối, quan điểm của Đảng xuất hiện rất nhiều nền tảng mạng xã hội với tần số rất dày đặc. Để có thể đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch này cần hình thành một thế trận đấu tranh của nhân dân trên mạng xã hội. Đây là một điều mới mẻ nhưng lại là điều chúng ta cũng rất có kinh nghiệm trong việc phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các kinh nghiệm của Đảng ta trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Hải, bản chất của bảo vệ nền tảng tư tưởng chính là bảo vệ những gì tốt đẹp nhất, những gì thuộc về lẽ phải, đó chính là thiên chức cao quý của báo chí. Để thực hiện nhiệm vụ này, báo chí phải có sự đầu tư nghiên cứu, cũng như liên tục thay đổi cách thức thực hiện. Đồng thời, nếu muốn bảo vệ được thì người phóng viên, nhà báo phải hiểu rõ, hiểu sâu sắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Muốn hiểu rõ, hiểu sâu sắc, thì bản thân mỗi phóng viên, nhà báo cũng như tòa soạn báo cần nỗ lực học tập, nghiên cứu để nắm chắc những vấn đề này. Từ những vấn đề của lý luận, sẽ hướng đến những vấn đề của đời sống, bảo vệ Đảng trong thực tiễn, tức là bảo vệ bằng những câu chuyện cụ thể, những vấn đề cụ thể, chứ không phải lý thuyết chung, sáo rỗng, khô khan. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nguyên Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, cho rằng bảo vệ nền tảng tư tưởng là việc sống còn và hết sức quan trọng tuy nhiên nếu cách viết chưa đạt được cái hay, chưa diễn đạt được ý nghĩa thì việc bảo vệ dù có hăng hái nhưng lại không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là chất lượng người làm báo. 

"Muốn có tác phẩm chất lượng, người làm báo phải đi vào cuộc sống, vì mọi chính sách của Đảng, Nhà nước là từ nhân dân. Đi vào đời sống người dân, nghe tiếng nói của người dân. Khi tiếng nói người dân vang vọng trên các phương tiện truyền thông bằng những ví dụ như thực tiễn của đời sống thì đấy là sự thuyết phục nhất. Muốn có tác phẩm như vậy, nhà báo phải đằm sâu, kỹ lưỡng, sâu sắc và có thái độ trách nhiệm chính trị rất cao. Nếu chỉ thuần túy chuyển tải những thông điệp xong việc mà trong đấy không có hồn cốt, không có sự sâu sắc, không có nỗi xót xa với những khó khăn của đất nước, của những thân phận con người thì tác phẩm khó lay động được. Nói chuyện chính trị nhưng phải có con người, nói chuyện tổng thể nhưng phải có cá nhân, có những số phận, đời sống, cá thể sau đó thì nó mới thuyết phục. Tôi nghĩ báo chí trước đây cũng như vậy và báo chí sau này cũng phải như thế", nhà báo Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Xây đắp niềm tin, tạo lá chắn với các thông tin xấu, độc

Liên quan đến câu chuyện đấu tranh chống lại các thông tin xấu độc trên mạng xã hội, theo nhiều đại biểu, trách nhiệm của các nhà báo trong thời gian tới chính là tạo dựng niềm tin, qua đó tạo dựng khả năng miễn dịch của nhà báo cũng như công chúng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa, nguyên Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng việc đấu tranh với các thông tin xấu độc trên mạng xã hội không phải chỉ diễn ra trong thời đại công nghệ số mà đã từ rất lâu. Nhưng trong thời đại công nghệ số, các thông tin mang tính xấu, độc lan truyền nhanh hơn, mạnh mẽ và nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu chỉ chạy theo các thông tin đó để xử lý thì chắc chắn không thể hết được, điều quan trọng là phải tăng "sức đề kháng". Do đó, trách nhiệm của báo chí là rất lớn trong việc tạo dựng niềm tin xã hội. 

"Khi người ta đã tin rồi, người ta đề kháng rồi thì chắc chắn tin xấu độc sẽ không ảnh hưởng lớn đến người dân cũng được. Thực ra để có niềm tin ấy thì cần rất nhiều yếu tố. Trước hết, người làm báo phải tin vào sự nghiệp của mình, tin vào thể chế của mình, tin vào tương lai của đất nước thì mới lan truyền niềm tin, ý chí. Niềm tin từ cơ sở hiện thực nghĩa là cả hệ thống chính trị phải nỗ lực thực hiện. Mỗi người, mỗi tổ chức, cá nhân phải nỗ lực để xây đắp niềm tin ấy. Bên cạnh đó, để chống lại những thông tin xấu độc thì cần có những chiến lược thông tin phù hợp nhằm chặn đứng âm mưu thâm độc, thù địch. Nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn là tăng khả năng miễn dịch. Báo chí có trách nhiệm xây đắp với điều đó", nhà báo Đỗ Chí Nghĩa nhận định.

Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ninh, cho rằng sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, việc cạnh tranh thông tin cũng là một điều tất yếu. Nhưng với những người làm báo Việt Nam, bên cạnh việc cạnh tranh thông tin mạng xã hội về sự nhanh chóng, cần nhớ một điều: báo chí của chúng ta là báo chí chính thống. Báo chí có thể chiến thắng được mạng xã hội bằng tính trung thực, tính khách quan, tính nhân văn. Chỉ có làm được tốt 3 tiêu chí trên thì báo chí cách mạng Việt Nam mới hoàn thành được sứ mạng lịch sử trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội,

Bên cạnh đó, mỗi người làm báo cần thực hiện tốt việc rèn luyện bản lĩnh, đạo đức. Chỉ khi làm tốt điều này, tất cả các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo sẽ thực hiện đúng các tiêu chí, tiêu tôn chỉ, mục đích của mình và chiến thắng được các thông tin xấu, độc đang lan tràn trên mạng xã hội.

Phúc Hằng (TTXVN)
Phiên trù bị Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI: Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Phiên trù bị Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI: Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025

Chiều 30/12/2021, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI tiếp tục họp phiên trù bị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN