Tránh chồng chéo, mâu thuẫn nội dung
Theo Tờ trình của Chính phủ, các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đồng thời, dự thảo Luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với những điểm mới cơ bản như: quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch; tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cùng với đó là đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch...
Trình bày Báo cáo thẩm tra, bày tỏ nhất trí sự cần thiết ban hành luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nguyên tắc, căn cứ lập và điều chỉnh các quy hoạch. Đồng thời, phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.
“Đặc biệt, cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế 'xin - cho', 'lợi ích nhóm' trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai trên thực tế”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý sự cần thiết thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện, gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của trung ương. Cùng với đó là cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn có tính chiến lược phù hợp với loại và cấp độ quy hoạch cụ thể...
Phân loại rõ các loại và cấp độ quy hoạch
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đáp ứng được các yêu cầu của Đảng và Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, gắn kết chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa quy hoạch, phát triển đô thị với nông thôn, nhất là gắn với xây dựng nông thôn mới.
Góp ý về các khái niệm trong dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng: "Hiện nay, Việt Nam đã và đang hình thành rất nhiều khu đô thị mới, xuất hiện ngay trong đô thị và khu dân cư nông thôn. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải thích rõ cụm từ 'trong dự thảo Luật".
Đối với việc giải thích cụm từ "đô thị mới", đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng "chưa xác đáng". Theo đại biểu Tiến, đô thị mới nên được hiểu là đô thị được đầu tư và hình thành mới toàn bộ. Còn đô thị được mở rộng từ đô thị cũ hoặc từ xã để thành lập thành phố, thị xã, thị trấn mới thì không thể gọi là đô thị mới mà đề xuất nên được gọi là đô thị hình thành trong tương lai.
Tương tự, theo đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên), ngoài các khái niệm hiện hành trong các luật quy hoạch và xây dựng, dự án luật đã bổ sung thêm 15 khái niệm sẽ bảo đảm việc thực hiện pháp luật được đầy đủ, hiệu quả, phản ánh đúng bản chất vấn đề.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác rà soát và điều chỉnh quy hoạch là pháp luật hiện hành về quy hoạch chưa có sự thống nhất, đồng bộ; chưa có quy định làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát về thực hiện công tác quy hoạch; chưa kiên quyết làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung quy định về kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch; trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch để góp phần hạn chế tình trạng quy hoạch treo hiện nay.
Đề nghị làm rõ mối quan hệ tính thứ bậc giữa quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho biết, hiện nay có nhiều luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch như: Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Đất đai (trong đó, Luật Nhà ở, Luật Đất đai đang trình Quốc hội xem xét, quyết định có hiệu lực từ 1/8 tới), sẽ tác động đến sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, việc làm rõ sự đồng bộ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành... thực sự rất cần thiết và quan trọng.
Trên tinh thần đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cần phân loại rõ các loại và cấp độ quy hoạch để tránh chồng chéo, xây dựng một hệ thống phân loại quy hoạch thống nhất, chi tiết và minh bạch; đồng thời, đặt ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch, bảo đảm tính nhất quán và hiệu quả.