Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, chính sách và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy xây dựng phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thông qua việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới: IoT, Big Data, AI, AR…
Gắn với mục tiêu phát triển bền vững
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm giúp thành phố Hà Nội lựa chọn phương thức, các bước đi thích hợp để cùng xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng của Hà Nội dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, Thực tế ảo, Điện toán đám mây, Robot, Big data, Block Chain, Trí tuệ nhân tạo đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để cùng xây dựng đô thị hay thành phố thông minh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức với sự tham gia của hơn 10 quốc gia cùng đại diện các tỉnh, thành phố của Việt Nam; các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam.
Tại hội nghị, nhiều câu hỏi được đặt ra đó là: Mô hình nào, phương thức nào để triển khai đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?
Việc phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Hướng đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng, phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh.
Chính quyền số và chiến lược xây dựng thành phố thông minh
Ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tốc độ phát triển nhanh sẽ xảy ra các vấn đề như già hóa dân số, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến quá trình kinh doanh của con người...
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, dự kiến đến năm 2050 thế giới sẽ có 2/3 dân số sống ở các đô thị, trong đó châu Á và châu Phi được đánh giá là có tốc phát triển nhanh nhất. Dự kiến, số dân sống ở đô thị hiện nay sẽ tăng từ 53% lên 64% trong quá trình đô thị hóa.
ASOCIO đã từng đề cập về xu hướng xây dựng thành phố thông minh là chủ đạo trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề giữa các thành phố này phải kết nối với nhau để thông minh hơn. Thành phố thông minh không chỉ kết nối với nhau về mặt số mà còn để giải quyết được những vấn đề như đã nêu.
Ông David Wong bày tỏ đồng tình với Hà Nội đặt ra kế hoạch xây dựng thành phố thông minh theo 3 giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2030; trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi là y tế, giao thông, du lịch.
Bà Yvonne Chiu, Chủ tịch Liên minh Công nghệ thông tin thế giới (WITSA) cho biết, Liên minh Công nghệ thông tin thế giới bảo đảm chuyển đổi kỹ thuật số, mang lại lợi ích cho các thành phố, mang lại sự an ninh, an toàn hơn cho các thành phố khi xây dựng thành phố thông minh.
Cũng tại hội nghị, báo cáo về “Công nghệ mới cho Thành phố thông minh hơn”, ông Jay Jenkins,Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á nhấn mạnh, trên nhiều mặt, Hà Nội gần như là một thành phố thông minh. Thực tế Google đã đầu tư hạ tầng thông minh ở Hà Nội gần 10 năm. Mỗi ngày, người dân Hà Nội đều đóng góp vào bộ dữ liệu ở Google Maps về đường phố và giao thông. Những dữ liệu này được xử lý tại Trung tâm dữ liệu của Google và hữu ích với hàng trăm nghìn người sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone). Bên cạnh đó, Google cũng có bộ dữ liệu xử lý về những địa điểm tại Việt Nam với hàng trăm nghìn địa chỉ được thống kê trên Google Maps và Google My Business - từ địa chỉ, giờ mở cửa cho tới phản hồi. “Như vậy, có rất nhiều yếu tố cơ sở hạ tầng thành phố thông minh đã có sẵn và Hà Nội có thể tận dụng những điều đó” – ông Jay Jenkins nhấn mạnh.
Tại Phiên tọa đàm về chủ đề "Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo", ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh tại Thụy Điển; trong đó nhấn mạnh việc thành phố phải tạo ra môi trường để người dân thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo của mình. Thành phố thông minh phải có sự đổi mới, cởi mở, cầu thị và Thụy Điển là nơi có nhiều sáng tạo, đổi mới. Thành phố thông minh là thành phố biết tận dụng công nghệ mới và số hóa để có thể đơn giản hóa quy trình, mang lại chất lượng cao nhất cho người dân và môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Hà Nội vốn đã là thành phố thông minh và nếu được quy hoạch tốt hơn nữa Hà Nội sẽ càng có thêm điều kiện phát triển hơn. Ông nhấn mạnh, không nên biến thành phố thông minh thành điều gì đó huyền bí, khó hiểu. Thay vào đó, chúng ta cần nghĩ đơn giản rằng, phải có người dân thông minh mới có thành phố thông minh.
Đề cập về giải pháp huy động nguồn vốn xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ dùng nguồn lực từ ngân sách thành phố và các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn. Hà Nội có chủ trương xã hội hóa các dịch vụ, hạ tầng của các doanh nghiệp; trong đó, thuê tối đa các dịch vụ bảo mật, đường truyền, viết phần mềm. Trên cơ sở đó, nguồn lực được huy động từ chính người dân trên cơ sở họ sử dụng các dịch vụ.
Thành phố Hà Nội kỳ vọng các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam đề xuất các giải pháp cụ thể giúp Hà Nội cùng các thành phố khác tại Việt Nam xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.