Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Trong đó, phấn đấu giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2020-2025 đạt hơn 300.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 70,69 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 179.000 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu đạt 3.520 triệu USD, bình quân đạt 704 triệu USD/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, trong 5 năm đạt 53.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm bình quân 1,5%-2%/năm, riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm giảm 3-4%; đến năm 2025, phấn đấu có 100/152 xã và có ít nhất bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá để đưa Đắk Lắk phát triển đi lên.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị đã đề ra, đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng, Đắk Lắk tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đồng chí Bùi Văn Cường, Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hiện nghiêm các quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng nhằm giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, góp phần làm trong sạch, vững mạnh nội bộ Đảng.
Về phát triển kinh tế, Đắk Lắk tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường; gắn kết nông nghiệp với phát triển lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện. Tạo lập môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và phát triển ngành công nghệ sinh học trong nông nghiệp để trở thành hàng hóa chủ lực ở quy mô công nghiệp, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, phục vụ tốt cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk quan tâm triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật trong nước và trên thế giới; khuyến khích chuyển giao, nhập khẩu các công nghệ mới thân thiện với môi trường và tự động hóa vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển du lịch và các dịch vụ: Giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật, tài chính, logistics... Ưu tiên, tập trung phát triển du lịch, hướng đến du lịch chất lượng cao với các loại hình du lịch gắn với nông, lâm nghiệp, cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng và bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Thu hút mạnh các nguồn lực để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với tăng cường hợp tác với một số tỉnh, thành trong nước và địa phương trên thế giới.
Đồng chí Bùi Văn Cường cho biết: Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối tại các địa bàn tiềm năng, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm; gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tự động hóa...
Tỉnh cũng xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ - thông tin và sản xuất phần mềm; xây dựng, hình thành các khu công nghệ cao; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào các ngành, lĩnh vực gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp. Xây dựng Trung tâm đổi mới, sáng tạo khu vực Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột liên kết với trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Đăk Lắk tập trung xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao. Chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong, ngoài nước, không để bị động, bất ngờ, xảy ra biểu tình, bạo loạn trên địa bàn, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh.
"Triển khai Nghị quyết XIII của Đảng, tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, đó là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tài chính công, tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách, đi đôi với hoàn thiện các quy định, quy chế làm việc; tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng nhanh và bền vững", đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Theo đồng chí đồng chí Bùi Văn Cường, địa phương sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là tnguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương; trong đó chú trọng giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động; bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; quan tâm phát triển y tế thông qua việc áp dụng, triển khai các kỹ thuật mới, áp dụng công nghệ tiến tiến, kỹ thuật cao.
Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”; quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số bảo đảm cơ cấu, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, tránh hụt hẫng, không có tính kế thừa; thực hiện tốt chính sách cán bộ, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Để phát triển hạ tầng, Đăk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là Đường vành đai phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột. Phát triển mạnh thương mại, logistics, du lịch, công nghiệp. Đáp ứng nhu cầu kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Lào, các tỉnh của Campuchia; xây dựng cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế, xây dựng Cửa khẩu Đắk Ruê… Phối hợp với các tỉnh trong khu vực xem xét, đề nghị Trung ương cho chủ trương xây dựng tuyến cao tốc qua các tỉnh Tây Nguyên đến Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến giao thông kết nối các tỉnh lân cận vùng Tây Nguyên.