Đáp ứng đặc thù nghề nghiệp
Nói chi bộ đặc thù ở đây là bởi hầu hết cán bộ Viện Khảo cổ học đều có những khoảng thời gian rất dài ở tại công trường thám sát, khai quật khảo cổ, có thể là ở nội, ngoại thành Hà Nội, có thể ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Bởi vậy, để có đủ số lượng đảng viên cũng như Ban Chấp hành họp cùng một ngày là rất khó. Để duy trì sinh hoạt thường xuyên theo quy định, chi bộ đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo. Có nhưng buổi sinh hoạt chi bộ diễn ra ngay tại hiện trường khai quật khảo cổ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trình Năng Chung nhớ lại: Đợt khai quật ở Đình Tràng (Cổ Loa - Hà Nội) có tới hàng trăm công nhân. Công trường đang đợt cao điểm khai quật, chạm đến những vấn đề nhạy cảm của khảo cổ học. Chi ủy sang tận Cổ Loa vừa thăm công trường vừa tranh thủ họp, cùng bàn về nhân sự, đặc biệt là vấn đề phát triển Đảng trong thời gian tới vì sau đợt khai quật sẽ tiến hành đại hội. Trước đó, dự thảo báo cáo đã chuyển trước cho các đồng chí trong chi ủy để nghiên cứu. Viện trưởng Nguyễn Giang Hải nhấn mạnh, hội ý chi ủy ngay trên ô tô sẽ đạt được 2 mục tiêu vừa kịp thời để triển khai công việc, vừa thăm công trường khai quật.
Theo Bí thư chi bộ Bùi Văn Liêm, với đặc thù nghề nghiệp có những mùa điền dã, hầu hết cán bộ trực tiếp làm việc ở công trường khắp mọi nơi trong cả nước, cần linh hoạt, sáng tạo để đảm bảo sinh hoạt chi bộ đúng quy định, trong đó lồng ghép các nội dung học Nghị quyết, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trao cơ hội cho mọi người
Nhìn nhận về việc kết nạp Đảng, Viện trưởng Nguyễn Giang Hải cho rằng, cơ hội vào Đảng dành cho tất cả cán bộ, không kể tuổi tác. Không thể nói một cán bộ chuẩn bị về hưu thì không thể trở thành đảng viên nữa, chỉ cần cán bộ đủ điều kiện, xứng đáng và vẫn có nguyện vọng trở thành đảng viên. Bởi khi về hưu, cán bộ đó về sinh hoạt tại xã, phường vẫn có thể đóng góp công sức, trí tuệ cho hoạt động của Đảng. Nếu có suy nghĩ thực sự vào Đảng để đóng góp thì ở bất kỳ đâu cũng đóng góp được. Không có chuyện kết nạp để có cái danh, mà phải thuyết phục chi bộ phá vỡ tư tưởng này. Cán bộ còn công tác đều phải được xem là đối tượng được kết nạp Đảng, dù nhiều tuổi hay ít tuổi.
Điển hình như cán bộ Nguyễn Đình Bướng vừa kết nạp Đảng xong thì về hưu. Dù hoàn cảnh gia đình không thuận lợi nhưng đồng chí Bướng vẫn không ngừng nghỉ ý chí phấn đấu “cho dù hôm sau về hưu tôi vẫn muốn vào Đảng”. Ở tuổi gần 60 vẫn giữ niềm vui được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và đây là trường hợp bố được kết nạp Đảng sau con trai.
Trường hợp khác là Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Nguyễn Gia Đối, cứ đưa ra trong buổi họp chi bộ là bị loại ngay vì lý do đẻ con thứ ba. Nhưng qua tìm hiểu, trường hợp này không vi phạm bất cứ quy định nào bởi con của anh Đối không may bị bệnh. Việc nhìn nhận hoàn cảnh của mỗi cán bộ vừa phải bảo đảm tuân thủ quy định, vừa phải mang tính nhân văn. Bí thư chi bộ Nguyễn Giang Hải lúc đó đã đấu tranh trong chi ủy, chứng minh theo Nghị định Quy định chi tiết thi thành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, việc đẻ con thứ ba của anh Đối là không vi phạm pháp luật bởi 1 trong 2 người con mắc bệnh hiểm nghèo và cũng không vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng; mời Bí thư Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xuống tham gia cuộc họp và trao cơ hội vào Đảng cho đồng chí Nguyễn Gia Đối.
Nhận thức về kết nạp đảng viên hiện nay ở Viện Khảo cổ học đã có sự đổi mới rõ rệt. Liên tục từ nhiều năm nay Viện Khảo cổ học năm nào cũng có đảng viên mới. Bí thư chi bộ đảng hoặc người quản lý phải có sự uyển chuyển trong công việc. Đối với những người làm công tác nghiên cứu, phải quản lý theo sản phẩm khoa học, không nên hành chính hóa, không khuyến khích người làm nghiên cứu đến cơ quan vào ngày nghỉ.
Vươn lên mạnh mẽ
Theo Viện trưởng Nguyễn Giang Hải, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chi bộ là rất quan trọng trong công tác Đảng. Bởi nếu người đứng đầu không nhận thức vấn đề một cách tích cực, linh hoạt thì không thể đưa ra được hình thức hoạt động phù hợp.
Cơ hội phải dành cho tất cả cán bộ, nhưng nắm bắt được cơ hội phải là do năng lực của từng cá nhân, không phải chỉ các đảng viên. Đối với cán bộ trẻ, đào tạo là cơ hội quan trọng nhất. Nhưng cách làm linh hoạt nằm ở chỗ, nếu có cơ hội người đứng đầu phải sử dụng cách “mèo mẹ cõng mèo con”, ví dụ cử một người có trình độ tiếng Anh rất giỏi kèm người trình độ tiếng Anh kém hơn để đẩy dần khả năng tiếng Anh của cán bộ lên… Nhờ cách làm đó, đơn vị đã vươn lên mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác.
Chi bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam hiện có 17 đảng viên, là thời điểm có nhiều đảng viên nhất từ trước đến nay. Năm 2005, Chi bộ chỉ có 8 đảng viên/60 cán bộ, đến năm 2012 số đảng viên tại Chi bộ đã tăng gấp đôi. Bí thư chi bộ, 2 viện phó, các đồng chí trong chi ủy, cũng đều được kết nạp ở giai đoạn này.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Viện Khảo cổ học đã đạt được nhiều thành tựu lớn, nhiều công trình khoa học do cán bộ Viện tham gia đã được đánh giá cao cả về giá trị khoa học, ý nghĩa thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Viện Khảo cổ học và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đề cử và bảo vệ để Hoàng Thành Thăng Long được UNESCSO công nhận là di sản văn hóa thế giới; di tích Thành nhà Hồ được vinh danh năm 2011; gần đây nhất năm 2014, Quần thể di tích danh thắng Tràng An được công nhận là Quần thể danh thắng thiên nhiên và văn hóa thế giới…
Bí thư chi bộ Bùi Văn Liêm cho biết, ghi nhận những thành tích đạt được, nhiều năm liền Chi bộ Viện Khảo cổ học được Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội xếp loại tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, năm 2014 chi bộ là một trong 21/44 tổ chức cơ sở đảng “trong sạch vững mạnh” và 5/44 tổ chức cơ sở đảng “trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.