Theo thống kê mới nhất, hiện số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đăng ký trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia khoảng 6.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 80.822 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 129 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm trên 70% tổng số doanh nghiệp đăng ký. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp.
Còn theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm 31/10/2018, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh là trên 4.700 doanh nghiệp, trong đó hoạt động theo hình thức công ty cổ phần là 1.362 doanh nghiệp; công ty trách nhiệm hữu hạn gần 3.000 doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân hơn 450 doanh nghiệp...
Như vậy, so với tổng số doanh nghiệp hiện có thì số doanh nghiệp thành lập được tổ chức cơ sở Đảng còn thấp. Rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI lớn mới chỉ quan tâm xây dựng tổ chức Công đoàn mà chưa xây dựng được tổ chức cơ sở Đảng.
Từ năm 2012, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã xây dựng đề án số 10 về xây dựng, củng cố, phát triển đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; năm 2013 tiếp tục xây dựng, triển khai đề án số 14 về sắp xếp hệ thống tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh ủy Thái Nguyên còn triển khai việc thực hiện thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng từ năm 2013...
Trải qua một thời gian dài thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển đảng trong doanh nghiệp, nhiều mục tiêu về thực hiện không có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp yếu kém, số tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp... đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Riêng mục tiêu phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa đạt, từ năm 2013 đến năm 2017 mới chỉ thành lập được 34 tổ chức cơ sở Đảng trong khi kế hoạch đề ra là 100 tổ chức cơ sở Đảng. Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nói chung chưa đáp ứng kịp quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát triển rất nhanh, đa dạng về quy mô và hình thức sở hữu nhưng số doanh nghiệp có tổ chức Đảng và đảng viên còn rất ít. Tổ chức Đảng ở một số doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước mới thành lập chưa có mô hình tổ chức phù hợp, còn nhiều lúng túng về nội dung, phương thức hoạt động.
Do quy định của tổ chức cơ sở Đảng không quyết định về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và công tác cán bộ, cấp ủy viên chủ yếu kiêm nhiệm nên không ít tổ chức Đảng còn lúng lúng, vai trò lãnh đạo của Đảng bị giảm sút, phụ thuộc vào Hội đồng quản trị, Giám đốc doanh nghiệp.
Một số chủ doanh nghiệp chưa ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nhiệp 100% vốn nước ngoài. Hiệu quả hoạt động, hạt nhân chính trị của một số tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn hạn chế, chưa xác định được rõ mối quan hệ với chủ doanh nghiệp, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc.
Một số đảng viên làm việc ở doanh nghiệp nhưng sinh hoạt ở nơi cư trú gây khó khăn cho công tác quản lý đảng viên. Thậm chí, có đảng viên quan niệm là người làm thuê cho chủ doanh nghiệp sợ bị phân biệt đối xử nên không công khai mình là đảng viên...
Ông Lê Hồng Khuê, Bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng chia sẻ: Những người làm công tác đảng đều kiêm nhiệm, nhiệm vụ chính là xây dựng công ty phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty để đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập.
Đối tượng ưu tú mà chi bộ, đảng bộ doanh nghiệp lựa chọn được cho đi học cảm tình đảng, rồi khi làm thủ tục để kết nạp thì họ ngại vì mất thời gian, và họ cũng chưa xác định được rõ ràng vào đảng để làm gì.
Đối với doanh nghiệp thì có hai vấn đề: thứ nhất là khi có tổ chức Đảng trong công ty thì lại phải mất thêm chi phí, vì chi phí hoạt động của đảng được trích từ chi phí của công ty; thứ hai là về công tác thi đua, khi tổ chức Đảng trong công ty không đạt trong sạch vững mạnh thì sẽ ảnh hưởng ngay đến công tác thi đua của công ty…
Để giải quyết những khó khăn này, ông Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: Trong những năm gần đây Thái Nguyên có tốc độ phát triển công nghiệp rất cao. Đến thời điểm này, tỷ trọng công nghiệp tại Thái Nguyên chiếm 53%, các doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp FDI tiếp tục có sự đầu tư mạnh tại Thái Nguyên…
Điều này đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng một cách toàn diện và tỉnh Thái nguyên rất quan tâm đến việc phát triển đảng trong các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, doanh nghiệp cổ phần, tư nhân.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng ở các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói riêng, Thái Nguyên chỉ đạo cấp ủy các cấp nghiêm túc thực hiện các nội dung quan trọng như: nâng cao nhận thức, ý thức của công nhân viên chức người lao động trọng các tổ chức lao động, nhất là ý thức chính trị...
Bên cạnh đó, cấp ủy cơ sở phải đồng hành cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, để làm sao các tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động trong doanh nghiệp đều phục vụ mục đích chung là doanh nghiệp phát triển, quyền lợi công nhân viên chức ngày một đảm bảo hơn, kinh tế - xã hội của tỉnh được nâng cao, đồng thời tập trung cho phát triển các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân để bảo vệ được lợi ích hợp pháp của đoàn viên hội viên.
Riêng đối với doanh nghiệp FDI, thông qua hoạt động của Liên đoàn lao động các cấp, dần dần cho doanh nghiệp hiểu việc phát triển đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, Đảng lãnh đạo toàn diện để cùng doanh nghiệp phát triển, đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động.
Có như vậy mới tuyên truyền đến chủ doanh nghiệp FDI đồng thuận cùng tỉnh xây dựng đảng trong các doanh nghiệp này... Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan niệm rằng nếu thành lập được tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI sẽ đạt được cả hai chiều, cấp ủy hiểu được doanh nghiệp, hiểu được quá trình đầu tư và phát triển của doanh nghiệp, hiểu được tâm tư nguyện vọng của người lao động và có các giải pháp tác động để người lao động toàn tâm toàn ý với công việc. Năng suất lao động được nâng lên, giá trị sản phẩm, chất lượng được nâng cao, như thế sẽ lại quay lại làm cho doanh nghiệp phát triển hơn.
Trong thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp, người lao động hiểu rõ và thấy được việc thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp không chỉ đảm bảo lợi ích tổ chức Đảng, đoàn thể mà chính là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất với các bộ, ngành Trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vay vốn, thời gian vay, lãi suất cho vay... để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển, có điều kiện quan tâm hơn đến công tác Đảng, đoàn thể.