Hội thảo nhằm mục đích tạo ra một nền tảng trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông.
Hội thảo gồm 2 phiên chính gồm: Phiên 1: Chính sách quản lý và thúc đẩy chuyển đổi số báo chí và truyền thông, với các bài trình bày chia sẻ từ cơ quan quản lý của các nước ASEAN về chính sách, giải pháp của Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông của mỗi nước; phát triển và thúc đẩy nền tảng số cho báo chí, truyền thông; quan điểm và chia sẻ câu chuyện về bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số... Phiên 2: Giới thiệu cách làm hay, mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí, truyền thông, kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí Việt Nam (VTVgo, VnExpress, Truyền hình K+) và các nước ASEAN.
Ngoài 2 phiên chính, hội thảo còn diễn ra một phiên thảo luận mở về các biện pháp để các nước ASEAN chung tay thúc đẩy ngành công nghiệp nghe - nhìn trong thời đại số...
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay báo chí và phát thanh, truyền hình là lĩnh vực đang phải chịu tác động nặng nề của sự bùng nổ công nghệ số, bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần bị mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông. Chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin.
Với mục đích đó, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề Chuyển đổi số trong truyền thông. Hội thảo nhằm mục đích tạo ra một nền tảng trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Ông Zul-Fakhri Maidy, đại diện Brunei cho hay, Brunei hướng đến mục tiêu trở thành một nước thông minh, hoàn thành xây dựng 3 nhiệm vụ: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; hình thành hệ sinh thái có trách nhiệm, sáng kiến trong nền tảng truyền thông số. Ngoài ra, Brunei rất quan tâm đến sở hữu trí tuệ trong chuyển đổi số, chính vì vậy chính quyền đã xây dựng nhiều quy định, tham gia hiệp định trên thế giới về sở hữu trí tuệ. Đại diện Brunei cũng mong muốn, các nước ASEAN tăng cường và mở rộng hợp tác với ngành kỹ thuật số để hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số cho các cơ quan truyền thông như đào tạo kỹ thuật, quan hệ công chúng và đào tạo sản xuất video; tổ chức các chương trình trao đổi nội dung truyền thông qua Internet; đặc biệt là chia sẻ thông tin trên các nền tảng kỹ thuật số mới nhất cho báo chí và các cơ quan truyền thông; khuyến khích nhiều chương trình hoặc chiến dịch nâng cao nhận thức hơn nhằm giảm thiểu vi phạm bản quyền.
Đại diện từ Truyền hình số vệ tinh K+ cho rằng, ngành công nghiệp truyền thông đang hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số, tạo sự khác biệt về nội dung, sử dụng đa dạng các phương thức thanh toán. Đơn vị cũng đã xây dựng các nội dung trên nền tảng xã hội, sử dụng kết hợp các phương tiện điện tử. Ngoài ra, đơn vị cũng rất quan tâm đến bảo vệ bản quyền và đã triển khai các giải pháp để hạn chế việc vi phạm bản quyền tại một số địa phương. Đơn vị hy vọng các nước ASEAN sẽ triển khai các chính sách, dự thảo cần thiết để đảm bảo quyền sử hữu trí tuệ, nhằm xây dựng hệ sinh thái truyền thông, truyền hình bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để thực hiện chuyển đổi số báo chí, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng công cụ đánh giá về tình hình phát triển báo chí, từ đó các cơ quan báo chí có thể thực hiện lộ trình chuyển đổi số, với những giải pháp phù hợp, thực hiện chiến lược phát triển trong tương lai. Ngoài ra, Việt Nam còn ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, bao gồm bảng các chỉ số được nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí (gồm: Chiến lược; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả; Mức độ ứng dụng công nghệ số) với tổng thang điểm 100.
Ông Lưu Đình Phúc nêu đề xuất, ASEAN nên xây dựng Chỉ số chung về độ trưởng thành trong chuyển đổi số của báo chí. Mỗi quốc gia cần phát triển công cụ riêng để đo lường mức độ trưởng thành, biến đổi của báo chí kỹ thuật số nhằm tạo cơ sở để đo lường và giám sát quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của báo chí, góp phần nâng cao chất lượng của báo chí.