Xây dựng phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến thăm, làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và GS,TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thông tin tại buổi làm việc, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan chia sẻ, Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, ban ngành thông qua 12 văn bản ký kết với mục đích thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Quyết định 1373/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Qua 27 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã lớn mạnh về mọi mặt, tập hợp được hơn 23 triệu hội viên. Tổ chức Hội được hình thành tới tận các xã, phường, thị trấn; phát triển trong các trường Đại học và hầu như 100% các trường Phổ thông; đang bước đầu thành lập ở các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang… nên tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Vì vậy, tất cả các chỉ số mà ngành Giáo dục của đất nước đạt được có sự đóng góp quan trọng của Hội Khuyến học Việt Nam.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, mặc dù hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng những người làm khuyến học đã nỗ lực cố gắng hết mình vì sự nghiệp “trồng người” của đất nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Đồng thời, Chủ tịch Hội nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế hoạt động của Hội, đề xuất, kiến nghị tới Phó Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành liên quan.

Hội Khuyến học Việt Nam là hội đặc thù, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nên theo quy định, được hưởng chế độ thù lao đặc thù cho cán bộ hội chuyên trách ở đủ các cấp tỉnh, huyện, xã, và được giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện đúng quy định này. Do đó, Hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thống nhất cho 63 tỉnh, thành phố, thực hiện đầy đủ chế độ đặc thù và cấp kinh phí cho Hội Khuyến học cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đề xuất Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu cho thành lập lại Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở Trung ương; không sáp nhập Hội với tổ chức Hội khác; phát động trong cả nước phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đảng, Nhà nước đã đổi mới tư duy về giáo dục khi chuyển đổi mô hình giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp Hội đã tích cực triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án góp phần quan trọng trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Trong 27 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thành công mục tiêu về chỉ số phát triển con người (HDI) được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Với 23 triệu cán bộ, hội viên, chiếm gần 1/4 dân số cả nước, các cấp Hội Khuyến học luôn là lực lượng có vai trò nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân tham gia mọi hình thức học tập, học tập suốt đời. Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng giao cho trong Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW trong giai đoạn 2021 - 2030.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hội khuyến học Việt Nam, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng để có ý kiến tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giải quyết vấn đề về cơ chế đặc thù của Hội Khuyến học Việt Nam và sáp nhập tổ chức Hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Khuyến học Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chọn một ngày và chủ đề phù hợp để xây dựng, phát động thành phong trào thi đua về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong cả nước; phối hợp với Bộ Nội vụ, Ban Thi đua khen thưởng xây dựng tiêu chí, tổ chức phát động, tổng kết, khen thưởng và có cơ chế khen thưởng phù hợp…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trước hết, Hội cần tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh là nòng cốt xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô hình học tập: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Đồng thời, Hội tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung tâm liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài; phát triển Quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, hiệu quả cao hỗ trợ đối tượng học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, giáo dục đại học...

Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, công nhận mô hình học tập trong xã hội phù hợp với thực tiễn triển khai trong cả nước; nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập...

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm rà soát, hoàn thiện các chính sách để tăng cường huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam...

M.H (TTXVN)
Chăm lo giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Chăm lo giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN