Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và thành phố Thái Bình cùng đông đảo nhân dân địa phương dự buổi lễ.
Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Bình vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong diễn văn khai mạc, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình Hoàng Văn Thành đã ôn lại lịch sử ra đời và phát triển của thành phố Thái Bình với điểm nhấn cách đây đúng 70 năm Ngày Giải phóng thị xã (30/6/1954-30/6/2024) và 20 năm xây dựng, phát triển thành phố (30/6/2004-30/6/2024).
Bí thư Thành ủy Thái Bình nhấn mạnh, thành phố Thái Bình là đô thị trẻ so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thị xã Thái Bình xưa, nay là thành phố Thái Bình có tiền thân từ vùng cửa biển rộng lớn Kỳ Bố Hải Khẩu - vùng đất có truyền thống văn hóa, bề dày lịch sử, yêu nước và cách mạng. Năm 1890, tỉnh Thái Bình được thành lập và thị xã Thái Bình trở thành tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Ngày 30/6/1954, thị xã Thái Bình được giải phóng, không còn bóng thực dân Pháp, đánh dấu mốc son trong lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân thị xã Thái Bình luôn phát huy tinh thần cách mạng, là hậu phương vững chắc, đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển, với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thái Bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng thị xã ngày càng phát triển. Ngày 30/6/2004 đánh dấu mốc thị xã Thái Bình chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Thái Bình. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kiến Xương, Vũ Thư và Đông Hưng để mở rộng thành phố Thái Bình. Năm 2013, thành phố Thái Bình được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh với 19 phường, xã, diện tích trên 6.700 ha.
Phát biểu tại buổi lễ, ghi nhận và biểu dương những kết quả xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình thời gian qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đã chung sức, đồng lòng thực hiện toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nhất là trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXVIII và Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại; công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao. Lĩnh vực văn hoá xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị từng bước được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, có nhiều đổi mới.
Để thành phố Thái Bình - thành phố trẻ, năng động, trở thành đô thị loại I, đô thị xanh, đô thị cảnh quan văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng, là đầu tàu kinh tế - xã hội của tỉnh, trở thành đô thị loại I, có vai trò quan trọng trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình gợi mở một số quan điểm, phương châm phát triển. Trong đó nhấn mạnh thành phố Thái Bình định hướng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh dựa trên 3 trụ cột gồm kinh tế phát triển năng động với dịch vụ hiện đại và công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao; đô thị phát triển nhanh theo hướng cảnh quan, trong lành, thông minh; xã hội phát triển văn minh, an toàn, có nếp sống văn minh đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị thành phố cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải đề ra được kế hoạch thực hiện sát hợp, quyết liệt, khả thi; vừa toàn diện, vừa có trọng tâm trọng điểm, có lộ trình rõ ràng hướng tới mục tiêu chung, đặt trong chiến lược phát triển chung của tỉnh và khu vực. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu, khát vọng xây dựng thành phố.
Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Trà Lý – Dòng chảy khát vọng” tái hiện hình ảnh về thị xã xưa, thành phố nay phát triển bên dòng sông Trà Lý. Đặc biệt là trình diễn Droneshow kể lại câu chuyện về Thái Bình với nhiều dấu ấn lịch sử từ bản đồ Bố Hải Khẩu, hình ảnh Tướng Minh Công Trần Lãm, hình ảnh cây cầu Bo cũ đến hình ảnh Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, hình ảnh Bác Hồ, hình ảnh Rồng bay lên tượng trưng cho khát vọng phát triển của thành phố trong tương lai. Chương trình nghệ thuật “Khát vọng tuổi 20” và màn pháo hoa cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân địa phương.