Đề án 281 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/2/2014 nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng, triển khai 4 mô hình (gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập), góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Theo thống kê của Hội Khuyến học Việt Nam, sau hơn 4 năm triển khai, nhiều chỉ tiêu của Đề án 281 đều vượt so với kế hoạch từ 2,7% đến 35,7%. Đặc biệt, có 98,6% người dân được hỏi đã cho biết: Tại những địa phương phát triển mạnh phong trào xây dựng mô hình học tập, nhân dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và đời sống, từ đó, mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng đã phát triển tốt. Việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản, tổ dân phố học tập và đơn vị học tập trên địa bàn là động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển. Từ đó, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc thực hiện Đề án 281. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục có được như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp tích cực của hệ thống khuyến học cả nước và sự đồng tình của nhân dân trong việc hưởng ứng, tham gia xây dựng các mô hình học tập. Tuy nhiên, hoạt động khuyến học tại nhiều địa phương chưa phát triển do phong trào khuyến học chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Để đẩy mạnh sự phát triển của phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị, địa phương thống nhất nhận thức về việc triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát triển mạnh các mô hình học tập, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Đề án Mô hình công dân học tập sẽ được trình Chính phủ vào quý 3/2021, do đó, các cấp Hội Khuyến học cần sớm xây dựng, hoàn thành Đề án này để có những phương hướng, hoạt động cụ thể trong giai đoạn 2021-2025.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, thông qua Đề án 281, công tác khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa đến từng người dân, gia đình, thôn bản, cơ quan, đơn vị... Người dân đã thấy được lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời. Khi người dân cùng chăm lo cho việc học thì sẽ giảm đáng kể các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp… Các mô hình học tập suốt đời cần được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân và phải được xây dựng thành chiến lược phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự an toàn khu dân cư.
Hội Khuyến học Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, các chỉ tiêu về mô hình học tập suốt đời tăng từ 10-20% theo tiêu chí xác định của Chính phủ; các cấp Hội chuẩn bị triển khai xây dựng Mô hình công dân học tập hướng đến “công dân số” theo các tiêu chí khi được Chính phủ phê duyệt. Hội Khuyến học các cấp phát huy vai trò nòng cốt, liên kết, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng xã hội để hỗ trợ hoạt động khuyến học, khuyến tài với tỷ lệ hỗ trợ năm sau cao hơn năm trước.
Để đạt được mục tiêu, Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo để các địa phương kiện toàn lại Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập. Các địa phương cần cấp kinh phí cho tổ chức Hội thực hiện Đề án 281…