Yêu cầu trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đặt ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 17/4.
SIPAS 2023 đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên 2 khía cạnh: Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân; Việc cung ứng dịch vụ hành chính công.
Về PAR INDEX, Bộ Nội vụ tiếp tục sử dụng bộ chỉ số đã ban hành năm 2022 để đánh giá. Ở cấp bộ, kết hợp giữa đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước với điều tra xã hội học đối với 5 nhóm đối tượng là: lãnh đạo cấp vụ, công chức cải cách hành chính, lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng thuộc sở, lãnh đạo hội, hiệp hội nghề nghiệp.
Tương tự, cấp tỉnh có sự kết hợp giữa đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội, với điều tra xã hội học đối với 5 nhóm đối tượng: Đại biểu HĐND cấp tỉnh, lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng thuộc sở, lãnh đạo huyện, người dân (đánh giá qua Chỉ số hài lòng SIPAS). Đó là sự đánh giá tương đối toàn diện, khách quan, đa chiều kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan, địa phương.
Kết quả công bố tại Hội nghị cho thấy, Quảng Ninh đứng đầu về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, với giá trị 90,61%, và cũng là địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính 2023, với chỉ số tổng hợp đạt 92,18%. Cùng nằm trong top các tỉnh có giá trị Chỉ số SIPAS 2023 đạt trên 90% là Thái Nguyên 90,29%, Hải Dương 90,23%. Ở chiều ngược lại, đứng cuối là Bắc Kạn, khi giảm 0,18% giá trị và tụt 3 bậc so với năm 2022, đạt 75,03%.
Đối với Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ Tư pháp tuy giảm 0,% điểm so với năm 2022 nhưng vẫn đứng ở vị trí đầu bảng xếp hạng ở khối các bộ, cơ quan ngang bộ với số điểm đạt 89,95%, kế tiếp là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đạt 89,89%, giảm 1 bậc so với năm 2022 (Ngân hàng Nhà nước giữ vị trí quán quân PAR INDEX 2022).
Ở khối các tỉnh, thành phố, đứng sau Quảng Ninh là Hải Phòng (91,87%), Hà Nội (91,43%), Bắc Giang (91,16%), Bà Rịa – Vũng Tàu (91,03%). Trong khi đó, An Giang đứng cuối cùng khi chỉ đạt số điểm 81,32%, tụt 21 bậc so với năm 2022.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Chỉ số SIPAS và PAR INDEX là công cụ theo dõi, đánh giá kết quả, tác động của quá trình triển khai cải cách hành chính tới việc cải thiện chất lượng hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực tiễn chứng minh, các chỉ số này đã thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu quả tiến trình cải cách hành chính, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức, nhận diện rõ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của nền hành chính nói chung, của quá trình triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm của bộ, ngành, địa phương nói riêng.
Đồng thời, qua đó cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xây dựng nền hành chính luôn lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, mọi chủ trương, chính sách phát triển đều hướng tới người dân, doanh nghiệp.
Những nỗ lực, quyết tâm cải cách của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 vừa qua đã được đánh giá, ghi nhận một cách khách quan, đa chiều, tương đối toàn diện, chi tiết dưới nhiều góc độ khác nhau. "Kết quả đó là một áp lực, nhưng cũng vừa là động lực, giúp cho chúng ta có thêm giải pháp và quyết tâm tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính với nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đang ở phía trước", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Biểu dương các bộ, ngành địa phương trong việc triển khai xác định hai chỉ số này, Bộ trưởng Nội vụ cũng chúc mừng Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, các địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh,... đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, đột phá trong cải cách để duy trì, hoặc cải thiện được các chỉ số ở thứ hạng cao trong bảng xếp hạng. Bên cạnh đó một số địa phương đã có những bứt phá, vươn lên, cải thiện được đáng kể thứ hạng về cải cách hành chính, như Khánh Hòa, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Hải Dương, Hà Giang và một số địa phương khác.
Đối với những bộ, cơ quan, địa phương còn có những kết quả các chỉ số ở mức thấp, kéo dài nhiều năm, Bộ trưởng lưu ý cần nghiên cứu các giải pháp đột phá, quyết liệt hơn trong cải cách, nhận diện rõ, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong các chỉ số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, lợi ích và sự hài lòng của người dân trong thời gian tới.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương chủ động phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ nguyên nhân những chỉ số thành phần còn thấp, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Quan tâm chỉ đạo sát sao với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm cải thiện thực chất công tác cải cách hành chính. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng tiếp cận chính sách trực tiếp các đối tượng về cải cách hành chính, về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các chỉ số này, từ đó tạo chuyển biến nhận thức, sự đồng thuận, ủng hộ, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và toàn xã hội đối với công cuộc cải cách hành chính.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ. Rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, không khả thi, đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm.
Tiếp tục hoàn thiện các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ. Tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, giao quyền phù hợp với năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức mới được ban hành. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn cải cách chính sách tiền lương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc triển khai công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, công tác triển khai, để nâng cao vai trò, hiệu quả của Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số cải cách hành chính trong quản lý, theo dõi, đánh giá cải cách hành chính.