Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội “Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức.
Đại diện lãnh đạo Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã về dự.
Hội thảo là dịp để Điện Biên và các tỉnh có chung đường biên giới với nước Lào điểm lại những kết quả hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch; đồng thời lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư qua đó góp phần tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương. Các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch của tỉnh Điện Biên, đưa quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch trong vùng Tây Bắc lên tầm cao mới, hiện thực hóa quy hoạch tổng thể khu vực, đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế- xã hội.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý đã khái quát những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, tồn tại hạn chế trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Điện Biên. Những năm qua, Điện Biên đã đẩy mạnh xây dựng chính quyền hiện đại thông qua cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái. Cùng với đó, địa phương còn có thế mạnh về tiềm năng phát triển thủy điện trên ba hệ thống sông chính: sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông. Nguồn tài nguyên khoáng sản tại Điện Biên tương đối đa dạng, như: than, quặng sắt, quặng boxit, đồng, chì, kẽm và các loại vật liệu xây dựng.
Điện Biên có những lợi thế đặc trưng khác, như có sân bay Mường Thanh, có hai cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt- Lào, ba cặp cửa khẩu phụ sắp tới sẽ được mở, một cặp lối mở A Pa Chải trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt là cửa khẩu Tây Trang là cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước. Đây là điều kiện tiền đề quan trọng và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên con đường xuyên Á phía Bắc, nối vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào- Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Myanmar.
Tuy nhiên, Điện Biên cũng đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức như đường giao thông đi lại khó khăn, diện tích rộng, địa hình đồi núi, diện tích đất canh tác ít, hạ tầng cơ sở còn thấp kém, sản phẩm du lịch nghèo nàn, du lịch lữ hành chưa có, hệ thống di tích lịch sử chưa được trùng tu, tôn tạo … Trước thực tế này, chính quyền tỉnh Điện Biên mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá, tư vấn của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các bộ, ngành Trung ương để việc xúc tiến, đầu tư, thương mại và du lịch vào Điện Biên ngày càng có kết quả.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các chủ đề: Giải pháp đẩy mạnh hoạt động giao thương của các tỉnh biên giới Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng với các tỉnh biên giới Lào và hành lang kinh tế Đông- Tây”; Du lịch đường biên, hội nhập và phát triển”; Cơ hội và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Điện Biên”...
Các đại biểu nhấn mạnh, để hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các tỉnh biên giới Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng với các tỉnh biên giới Lào và các nước thuộc hành lang kinh tế Đông- Tây (Lào, Myanmar và Thái Lan) sôi động, hiệu quả, thiết thực hơn, tỉnh Điện Biên cần chú trọng ưu tiên nguồn lực, đầu tư cho kết cấu hạ tầng và thương mại. Tỉnh tập trung nguồn vốn để đẩy nhanh các tuyến đường giao thông trong tỉnh, đặc biệt là tuyến đường giao thông ra các cửa khẩu, đến các xã biên giới; thúc đẩy các cặp chợ biên giới theo quy hoạch. Đồng thời, tỉnh khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thương nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistic, các cửa hàng, quầy hàng, điểm thu mua hàng hóa kết nối các tuyến đường vạn tải hai nước Việt - Lào với các nước trong khu vực.
Cùng với đó, địa phương cần đổi mới quy hoạch để tạo nguồn nguyên liệu nông sản cho sản xuất và xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để tạo nguồn cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần lựa chọn đầu tư kinh doanh những mặt hàng phù hợp, không dàn trải để đảm bảo hiệu quả và lựa chọn những sản phẩm chủ lực của địa phương để xây dựng thương hiệu, đáp ứng và khai thác tốt hơn thị trường giáp biên. Điện Biên cần đẩy mạnh công tác thông tin về các chính sách phát triển thương mại biên giới đến mọi người và doanh nghiệp; tăng cường các hình thức liên kết, liên doah giữa các tỉnh có chung biên giới nhằm khai thác tốt thế mạnh của nhau trong phát triển kinh tế địa phương nói riêng và khu vực biên giới nói chung.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tỉnh Điện Biên có tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, địa phương vẫn chưa khai thác được nguồn lực, tiềm năng thế mạnh du lịch. Thời gian tới, địa phương cần chú trọng xây dựng cơ sở lưu trú, tránh hiện trạng cơ sở lưu trú nghèo nàn như hiện nay. Ngoài ra, tỉnh Điện Biên cần chú trọng tập trung vào việc phát triển sản phẩm du lịch, đi vào chiều sâu và phong phú, đa dạng hơn. Bên cạnh đó, địa phương cần phát triển công tác quảng bá, tuyên truyền giới thiệu hệ thống di tích lịch sử, đẩy mạnh xúc tiến du lịch; chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên.