Xứng đáng là đại biểu dân cử

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đang tới gần. Cử tri cả nước đã và đang thực hiện quyền và trách nhiệm của mình để chuẩn bị cho ngày hội toàn dân diễn ra vào ngày 22/5 sắp tới. Lựa chọn những đại biểu đủ tâm, đủ tầm, xứng đáng là đại diện dân cử tham gia Quốc hội luôn là mong mỏi của cử tri.

Công tác bầu cử được thực hiện theo luật định

Công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang được thực hiện đúng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (có hiệu lực từ 1/9/2015).

Ngày 12/4/2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách người ứng cử. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Các địa phương trong cả nước đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần 1 để xác định cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu. Hội nghị hiệp thương lần hai đã đưa ra danh sách sơ bộ người ứng cử, sau đó lấy ý kiến cử tri về người ứng cử tại nơi cư trú. Theo nhận định của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gửi đến đều được các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục và quy trình; đảm bảo dân chủ, công khai, đúng luật, đạt yêu cầu cơ bản về cơ cấu, thành phần do Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã quyết định.

Sau Hội nghị hiệp thương lần hai, đã có 1.166 người đã được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách sơ bộ 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương; tại các tỉnh, thành phố đã có 969 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; số người được lập danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 7.462 người.

Tiếp tục quá trình chuẩn bị bầu cử, Hội nghị hiệp thương lần 3 để đưa ra danh sách chính thức người ứng cử sẽ được tiến hành trên cả nước trong thời gian từ ngày 13 - 17/4. Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rất cụ thể trình tự, thời gian của các hội nghị hiệp thương. Theo đó, các địa phương phải thực hiện đúng theo quy định, nếu thực hiện không đúng quy trình sẽ phải làm lại.

Nâng cao kinh nghiệm cuộc sống và bản lĩnh

Ngày bầu cử diễn ra vào 22/5 tới đây sẽ thực sự là ngày hội của toàn dân, khi cử tri cả nước, với quyền và cũng là trách nhiệm của mình, đi bỏ phiếu, bầu những đại biểu xứng đáng là người đại diện cho mình. Trong các bước chuẩn bị bầu cử, từ lúc xác định cơ cấu, thành phần theo luật định, cử tri đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn chất lượng đại biểu quốc hội khóa tới cần tiếp tục được nâng lên để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Vì vậy theo đại biểu Đỗ Văn Đương, để nâng cao chất lượng đại biểu thì cần phải nâng cao kinh nghiệm cuộc sống, nâng cao bản lĩnh. “Đại biểu phải dám nói và nói vấn đề đúng thực tế cuộc sống, phát biểu vừa có tính xây dựng nhưng phải gai góc”, đại biểu Đương nhấn mạnh. Cũng theo đại biểu Đương, những đại biểu chuyên trách ở địa phương nắm bắt thực tế cuộc sống nhiều nên phát biểu có chất lượng, đấy thực sự là những người có kinh nghiệm.

Còn theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), tiêu chuẩn của đại biểu đã quy định rất cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. “Nhưng muốn gì thì muốn, đại biểu Quốc hội phải đủ tầm, đủ tâm và đủ nhiệt huyết. Họ phải thực sự gần dân, đại diện cho dân. Vì anh có thể có tầm nhưng không thực sự đại diện cho dân, không lắng nghe dân, không vì dân thì khó có thể hoàn thành trách nhiệm của mình”, đại biểu An nói.

Cũng theo đại biểu Bùi Thị An, để xứng đáng là đại biểu dân cử, đại biểu Quốc hội cần phản ánh được nguyện vọng, tâm tư của cử tri tới Quốc hội. Muốn vậy, đại biểu phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc liên hệ với nhân dân có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như tiếp xúc với người dân ở nơi đại biểu cư trú, hoặc tại cơ quan đại biểu làm việc, thậm chí có thể là ngay trong cuộc sống hàng ngày. “Nếu đại biểu thực sự muốn lắng nghe dân thì không khó gì.

Thậm chí, đại biểu cũng không nhất thiết xuất hiện với tư cách là đại biểu Quốc hội mà lặng lẽ nghe thì sẽ được nghe những ý kiến thật của dân. Ngoài ra đại biểu Quốc hội có thể liên hệ với người dân qua email, công khai số điện thoại. Tôi đã từng kiến nghị trước Quốc hội là nên để cử tri nơi mình ứng cử đánh giá định kỳ thậm chí 6 tháng một lần xem đại biểu làm có xứng đáng không, để từ đó đại biểu Quốc hội tự điều chỉnh mình, xem cái này mình làm tốt, cái này làm chưa tốt để khắc phục”, đại biểu Bùi Thị An cho biết.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Đại biểu không nên kiêm nhiệm quá nhiều 

Quốc hội giống như một trường đại học tổng hợp, vấn đề gì cũng phải biết, đọc, nghiên cứu… Do vậy, chúng ta phải hoàn thiện dần các tiêu chuẩn về đại biểu Quốc hội. Chúng ta muốn chất lượng của Quốc hội được nâng lên thì đại biểu Quốc hội phải tự nâng cao trình độ, sức khỏe. Đặc biệt, đại biểu còn cần thêm kinh nghiệm. Các đại biểu trẻ mới ra trường sẽ không có được điều này, họ sẽ khó phát biểu được về tình hình kinh tế xã hội của đất nước, các dự luật… Hơn nữa, Quốc hội phải tiến tới việc nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách cao hơn, ở các nước chủ yếu là các đại biểu chuyên trách. Chuyên trách nhưng cũng phải chuyên nghiệp, điều này phải thể hiện rõ qua bằng cấp, học hàm, học vị và kinh nghiệm của đại biểu ở lĩnh vực chuyên trách. Hiện nay, chúng ta chưa thể làm được việc này nhưng sẽ tăng dần đại biểu chuyên trách trong các khóa. Ví dụ khóa trước là hơn 30% đại biểu chuyên trách, khóa này tăng lên 35% đại biểu chuyên trách, khóa sau có thể tăng lên một chút. Chúng ta phải có lộ trình cụ thể để đạt được các mức đề ra. Ngoài ra, Quốc hội khóa XIV không nên bố trí số đại biểu kiêm nhiệm quá nhiều, vì họ mất nhiều thời gian đi họp sẽ không làm tròn được trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội. 

Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đại biểu cần tham gia đầy đủ các phiên họp

 Trong hoạt động của Quốc hội khóa XIII vẫn còn tình trạng đại biểu vắng mặt nhiều tại các kỳ họp, đại biểu ít phát biểu, ít thảo luận, ít thể hiện chính kiến trong các phiên họp. Cá biệt có trường hợp bị bãi miễn vì vi phạm pháp luật. Do vậy, vấn đề cơ cấu đại biểu là cần thiết nhưng phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội. Đại biểu phải có đủ trí tuệ, hiểu biết, có đủ tâm huyết và thời gian để làm tốt vai trò đại diện cử tri và nhân dân trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Thực tế, việc đảm bảo có đủ cơ cấu thành phần trong Quốc hội là để đảm bảo cho mọi nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội khác nhau. Do vậy, đại biểu Quốc hội không nhất thiết phải là những người có trình độ chuyên môn hay bằng cấp cao, nhưng cần những tiêu chuẩn và phẩm chất để hình thành nên một đại biểu đáp ứng đúng kỳ vọng của nhân dân. Ví như đại biểu phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội. Khi đại biểu chất vấn thì không chỉ hỏi cho cá nhân mà còn là đang thay mặt nhân dân, cử tri chất vấn. Đó là một ý thức phải được rèn luyện thường trực, để từ đó phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan về những vấn đề thời sự, dân sinh bức xúc. 

Hữu Vinh (ghi)


Xuân Phong
Nâng cao kỹ năng tuyên truyền bầu cử đại biểu quốc hội, HĐND
Nâng cao kỹ năng tuyên truyền bầu cử đại biểu quốc hội, HĐND

Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia ngày 15/4 đã phối hợp tổ chức tập huấn tại Hà Nội về kỹ năng tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên-Huế trở ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN