Về vấn đề công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, cử tri Đặng Thế Truyền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn CamlamOnline (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đồng tình với những câu hỏi của đại biểu Quốc hội có nội dung liên quan về các vấn đề hàng kém chất lượng được bán trên các sàn thương mại điện tử hiện nay, việc đảm bảo hàng chất lượng cho người tiêu dùng. Vấn đề cử tri quan tâm (như hình thức livestream trên nền tảng thương mại điện tử 100 tỷ như thế nào) dù đã được đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, chất vấn nhưng vẫn chưa được Bộ trưởng trả lời thỏa đáng.
Theo cử tri Đặng Thế Truyền, thương mại điện tử và thị trường truyền thống đều có những ưu điểm riêng và thế mạnh riêng. Hiện nay, thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt, việc giao nhận hàng hóa trở nên thuận lợi. Từ đó, dẫn đến hiệu quả cao trong việc nâng cao quảng bá các mặt hàng, đặc biệt là nông sản. Với việc kinh doanh các sản phẩm liên quan đến Xoài Cam Lâm, thương mại điện tử đã giúp cho hàng trăm gia đình nông dân ở Cam Lâm (Khánh Hòa) tiếp xúc với khách hàng trong và ngoài nước thuận lợi. Từ đó tiêu thụ sản phẩm trái xoài và sản phẩm gia tăng từ xoài.
Tuy nhiên, thương mại điện tử hiện nay cũng có nhiều điểm bất cập như các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến: vấn đề nộp thuế, tình trạng hàng giả, hàng cấm, giá cả trên không gian mạng đang rất khó kiểm soát. Đang sử dụng nhiều sàn thương mại điện tử để bán hàng, cử tri Đặng Thế Truyền nhận thấy, sự bất cập trong vấn đề chiết khấu của đơn vị sàn thương mại điện tử đang là rào cản lớn để người dân, doanh nghiệp mặn mà sử dụng.
Cùng với các đại biểu Quốc hội, cử tri Đặng Thế Truyền mong muốn, Bộ Công Thương sớm có những giải pháp kiểm soát về hàng hóa được Nhà nước bảo vệ, chứng nhận như các sản phẩm OCOP. Minh chứng cho vấn đề này, cư tri chỉ ra, giá của xoài sấy OCOP 3 sao của doanh nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, bao bì, chất lượng được kiểm duyệt, trong khi đó sản phẩm cùng là xoài sấy nhưng không có nhãn mác, xuất xứ, đảm bảo chất lượng vẫn được bán trên các sàn và giá rất rẻ. Vô hình chung, người tiêu dùng vì mua sản phẩm giá rẻ và cho rằng, đó là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, khiến mọi nỗ lực quảng bá, xây dựng hình ảnh nông sản của Cam Lâm sẽ bị ảnh hưởng.
Cử tri Nguyễn Hồ Trà My, chủ doanh nghiệp liên quan mặt hàng thú móc len thủ công đồng tình với những giải đáp của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu; trong đó có nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn theo thị trường nước nhập khẩu... Cử tri Nguyễn Hồ Trà My cho biết, sản phẩm thú móc len của doanh nghiệp chị rất được thị trường nước ngoài yêu chuộng, có tình trạng hụt hàng thường xuyên. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vẫn dừng lại dưới dạng hàng hóa xuất khẩu theo khách du lịch hoặc được đặt mua, gửi chuyển phát theo hình thức vận chuyển bưu điện. Nguyên nhân là thị phần mặt hàng này ở nước ngoài chưa lớn mạnh. Do đó, cử tri kỳ vọng, Bộ Công Thương sớm có các hoạt động lớn ở lĩnh vực giới thiệu hàng tiểu thủ công nghiệp với thị trường nước ngoài; trong nước thường xuyên tổ chức các triển lãm, hội nghị có liên quan để thúc đẩy việc phát triển mặt hàng này xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhiều cử tri khác tại thành phố Nha Trang cùng quan điểm với các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết các vấn đề liên quan đến nông sản chế biến và xuất khẩu.
Nội dung chất vấn có tính phản biện cao
Qua theo dõi qua truyền hình trực tiếp, cử tri Cà Mau nhận xét, không khí phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Nội dung chất vấn cơ bản phản ánh được các vấn đề xã hội quan tâm và có tính phản biện cao. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm trước nhân dân và cử tri, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực Công Thương.
Cử tri Đỗ Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau đánh giá cao không khí làm việc nghiêm túc, tích cực của các đại biểu tại Kỳ họp lần này nói chung và trong chiều 4/6 nói riêng.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đã tích cực tranh luận, cũng có ý kiến trùng nhau nhưng nhìn chung diễn ra sôi nổi, chất lượng, thẳng thắn, mang tính xây dựng và đã làm rõ nhiều vấn đề được cử tri rất quan tâm.
Cử tri Đỗ Thanh Hiệp đánh giá cao phần tranh luận của đại biểu với Bộ trưởng và cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Từ đó, nhiều vấn đề đặt ra đã được giải đáp rõ ràng, cụ thể, không sa đà vào một vấn đề hoặc một nhóm vấn đề mà “lơ” đi những vấn đề khác khi cử tri đang mong muốn được nghe giải đáp.
Cử tri Đỗ Thanh Hiệp bày tỏ quan tâm đến vấn đề thương mại điện tử. Dù lĩnh vực này đang thúc đẩy nền kinh tế số của nước ta nhưng thời gian qua, lĩnh vực này cũng nổi lên nhiều vấn đề rất đáng lo ngại khi liên tục bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; thậm chí lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội rất phức tạp.
Qua phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cử tri Đỗ Thanh Hiệp đánh giá cao những nỗ lực, các giải pháp mà Bộ đã và đang triển khai. Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ mong muốn, Bộ Công Thương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa, đồng thời ban hành các chế tài phải đủ sức răn đe để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Cử tri Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau bày tỏ sự phấn khởi với chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về tình hình sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi và phát triển, có sự bứt phá là động lực tăng trưởng. Bên cạnh đó, thương mại trong nước tăng trưởng mạnh, là trụ đỡ cho nền kinh tế, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, xuất nhập khẩu đạt kim ngạch và thặng dư thương mại…
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Nguyễn Thị Thanh Hương hoan nghênh và đánh giá cao sự sâu sát của các đại biểu khi phản ánh đúng, trúng những vấn đề “nóng” mà cử tri đang rất quan tâm. Điển hình là thực trạng trên mạng xã hội hiện nay liên tục xôn xao với phương thức livestream bán hàng, cho doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Về vấn đề này, cử tri cũng thống nhất cao với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Tuy nhiên, trong xu hướng thương mại điện tử của nước ta phát triển rất nhanh như hiện nay và dự báo sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa trong tương lai, cử tri cho rằng, Bộ và các cơ quan Trung ương có liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực này; đồng thời, phát huy tối đa vai trò quản lý của chính quyền địa phương và sự theo dõi của người dân…
Cử tri Nguyễn Thị Thanh Hương đánh giá cao sự thẳng thắn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khi nhìn nhận công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức. Qua đó, cử tri mong muốn, Bộ Công Thương cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường thanh, kiểm tra, thiết lập cơ chế tiếp nhận và phản hồi với người tiêu dùng, gỡ bỏ nội dung bán hàng trái pháp luật trên nền tảng số...