Tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, rõ ràng
Theo Thượng tá, Tiến sỹ Phạm Công Thưởng, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Khoa Triết học Mác -Lênin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng, Cuốn sách đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, rõ ràng về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng của Việt Nam trong bối cảnh tình hình có nhiều vấn đề mới hiện nay. Giải đáp kịp thời, đúng đắn và rõ ràng về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng và phương hướng xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng “thế trận lòng dân”, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Những nội dung cơ bản nêu trên là những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần phát triển, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Cuốn sách tiếp tục khẳng định bước phát triển mới về tư duy, nhận thức của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” trong bối cảnh hiện nay. Đó là sự kế thừa tư tưởng, quan điểm Nghị quyết số 28-NQ/TW khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”; Kết luận số 31-KL/TW về “Chiến lược quân sự Việt Nam”, tiếp tục khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc…
Cuốn sách thể hiện sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ hiện nay. Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong thời kỳ mới là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước. Là Bí thư Quân ủy Trung ương, thông qua cuốn sách, Tổng Bí thư đưa ra những chỉ đạo quan trọng nhằm “tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội”; đồng thời “tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội”.
Thượng tá, Tiến sỹ Phạm Công Thưởng nhấn mạnh, nội dung Cuốn sách thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương về quan điểm, mục tiêu chỉ đạo và phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt về lĩnh vực quân sự, quốc phòng được diễn đạt ở hai phương diện cơ bản có mối quan hệ biện chứng với nhau. Vấn đề đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng; xây dựng quân đội kiểu mới. Đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng là vấn đề bao trùm, quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng, đặc biệt là xây dựng quân đội kiểu mới là vấn đề cơ bản, nền tảng, là sức mạnh vật chất để hiện thực hóa đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng.
Tư tưởng chỉ đạo đường lối quân sự, quốc phòng trong Cuốn sách được thể hiện tập trung ở một số nội dung cơ bản sau: Khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, kế thừa, phát huy truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của dân tộc. Có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ và giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong thời kỳ mới, xây dựng các lực lượng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Tư tưởng chỉ đạo đường lối quân sự, quốc phòng trong Cuốn sách phản ánh bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về đường lối quân sự và chiến lược quốc phòng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo và năng lực hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của Đảng và Quân ủy Trung ương.
Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị
Nội dung cuốn sách gồm 39 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, bài nói của đồng chí Tổng Bí thư về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng và phương hướng xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới là rất toàn diện, sâu sắc. Những nội dung này phản ánh tư duy sáng tạo, mang tầm chiến lược của người đứng đầu Đảng và Quân ủy Trung ương về vấn đề quân sự, quốc phòng. Đây là những định hướng rất quan trọng để các cấp, các ngành, toàn quân nghiên cứu, quán triệt hiện thực hóa vào củng cố nhiệm vụ quân sự, quốc phòng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Thượng tá, Tiến sỹ Phạm Công Thưởng cho biết, nội dung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị được Tổng Bí thư đề cập đến là vấn đề có ý nghĩa và giá trị sâu sắc nhất. Nội dung này thống nhất biện chứng với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời phản ánh sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới. Những nội dung cuốn sách đều toát lên định hướng của Tổng Bí thư về sự cần thiết, nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị rất sâu sắc. Đây là định hướng cho hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chức năng, mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong toàn quân nhận thức sâu sắc, đề cao trách nhiệm, chủ động tham gia đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tạo tiền đề để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện nay.
Cuốn sách là tài liệu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có thể coi là “cẩm nang” đối với các quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường trong xây dựng lực lượng, củng cố thế trận và thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Theo đó, các quân chủng, binh chủng, từng lực lượng phải chủ động làm tốt việc rà soát, điều chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế; tích cực huấn luyện, nâng cao sức mạnh, trình độ và khả năng tác chiến; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Thượng tá, Tiến sỹ Phạm Công Thưởng cho rằng, các học viện, nhà trường Quân đội cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; kết hợp chặt chẽ tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận; tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận. Đồng thời chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện theo hướng hiện đại, phát huy ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết của các lực lượng sư phạm; quan tâm đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên... Thực hiện tốt phương châm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.