Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, Đề án 11 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án được tiến hành công phu, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm công khai, minh bạch. Hai đợt đã tuyển chọn được 210 cán bộ thực sự nổi trội, có tố chất, triển vọng thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Công tác quản lý cán bộ tham gia Đề án được tăng cường, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ. Hầu hết cán bộ tham gia Đề án đều được rà soát, bổ sung quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn chức danh hiện giữ.
Tỉnh đã tổ chức đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cho 91 cán bộ; hai lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho 150 cán bộ tham gia Đề án được tuyển chọn đợt 1 năm 2018; cử 54 cán bộ trẻ tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Trường Đảng Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức 4 khóa tập huấn cho 124 cán bộ về kỹ năng quản trị doanh nghiệp...
Hầu hết cán bộ thuộc Đề án đều đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Đến nay, sau quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hiện có 71/173 cán bộ được quy hoạch vào các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó 7 đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030; 102 lượt cán bộ thuộc Đề án được luân chuyển, biệt phái, điều động, bổ nhiệm, kết hợp giữa bố trí, sử dụng với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của Đề án, cũng như công tác cán bộ ở một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, đề xuất, giới thiệu nhân sự tham gia Đề án; việc thực hiện Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý cán bộ tham gia Đề án còn nhiều hạn chế; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động và chưa phối hợp tốt với cơ quan Thường trực Đề án (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) trong việc xây dựng và thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo tính khả thi, hiệu quả…
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định, Đề án số 11 là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Đề án đã đề ra, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; quan tâm xây dựng phương án quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ tại chỗ, kết hợp với điều động, luân chuyển, biệt phái, tăng cường đi cơ sở, nhằm tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, đồng thời rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn công tác.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên rà soát, đề xuất để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ giữa các sở, ban, ngành của tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố; tham mưu xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ thuộc Đề án đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phổ biến, quán triệt Quy định của Tỉnh ủy về quản lý cán bộ tham gia Đề án và kế hoạch về thực hiện Đề án năm 2023; báo cáo kết quả khảo sát thông tin về thực hiện một số nội dung của Đề án và kiến nghị, đề xuất.
Hội nghị tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong quá trình thực hiện Đề án và công tác quản lý cán bộ tham gia Đề án; chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình tham gia Đề án và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ sở; ý thức, trách nhiệm, định hướng phấn đấu, phát triển của bản thân trong quá trình tham gia Đề án...