Yên Bái: Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất tại vùng cao Trạm Tấu

Từ đầu năm đến nay, tại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đã xảy ra nhiều đợt mưa kéo dài cộng với trận lũ lịch sử ngày 10 và 11/10 vừa qua khiến hệ thống đường giao thông, khu dân cư và tại một số đỉnh núi xuất hiện những vết nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất rất cao.

Mặc dù đã tiến hành di dời khẩn cấp 60 nhà, song hiện còn nhiều hộ dân nơi đây vẫn nằm trong khu vực nguy hiểm.

Một điểm sạt lở tại Yên Bái khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Những con đường bê tông bị xói hết phần đất nền, một số đỉnh núi xuất hiện vết nứt kéo dài, nhà của nhiều hộ dân bị nứt… là thực trạng đang diễn ra tại bản Hát, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu sau trận mưa lũ ngày 10 và 11/10.

Có mặt tại ngôi nhà của gia đình ông Lò Văn Cù, bản Hát, những gì chúng tôi ghi nhận được là hình ảnh tan hoang của ngôi nhà đã bị nước lũ làm xói mòn mất một nửa. Gia đình ông rất lo lắng vì nếu mưa to kéo dài, ngôi nhà sẽ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Ông Lò Văn Cù cho biết: “Mai kia nếu chính quyền địa phương sắp xếp được thì tôi cũng sẽ ra ở chỗ khác thôi. Chứ cứ như thế này tôi thấy nguy hiểm quá, không muốn ở đây nữa rồi”.

Còn tại trường mầm non Hoa Đào xã Pá Lau, ở vị trí móng nhà của 2 lớp học cũng đã xuất hiện vết nứt khá dài và phía ta luy âm sát các phòng học cũng đang có hiện tượng sạt lở.

Cô giáo Lê Thị Bích Lan, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng: "Sau khi phát hiện ra hiện tượng sạt lở, chúng tôi đã báo cáo ngay cho chính quyền xã. Từ hôm xảy ra trận lũ quét đến nay, chúng tôi cứ nơm nớp lo lắng mỗi khi có mưa to kéo dài vì hàng ngày vẫn có 20 học sinh học tại mấy phòng học đó, nếu chẳng may sạt lở thì coi như ngôi trường sẽ bị xóa sổ".

Với đặc thù của một huyện vùng cao nên hầu hết người dân sinh sống dọc theo các con suối và ở trên các đỉnh núi và chân núi. Phong tục, tập quán sinh sống như vậy nên nguy cơ bị thiệt hại về người và tài sản mỗi khi mưa lũ xảy ra là khó tránh khỏi. Việc di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do không có quĩ đất để bố trí.

Trận lũ vừa qua, trên toàn huyện Trạm Tấu, mưa lũ đã làm 13 người chết và mất tích, 7 người bị thương; 130 hộ bị mất nhà, trong đó 28 nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn; 56 hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ phải tháo dỡ nhà, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuyến tỉnh lộ 174 nhiều điểm bị sạt lở gây ách tắc giao thông; hàng chục điểm bị sạt lở ở các khu dân cư, trường học... vẫn chưa thống kê hết. Mưa lũ cũng đã làm sập và cuốn trôi 3 cầu treo, 1 cầu sắt, 1 cầu bê tông; 2 nhà cấp 4 (4 phòng học) của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Hát, xã Hát Lừu bị cuốn trôi; 64 ha lúa của người dân đang trong thời kỳ thu hoạch và 25 ha ngô bị vùi lấp, trôi hoàn toàn…

Ông Phạm Văn Khoa, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu cho biết: Trước những nguy cơ về sạt lở đất, lũ quét, huyện đã vận động, hỗ trợ những hộ bị thiệt hại và hộ nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng chuyển đến nơi ở tạm thời để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Đối với những hộ tìm được đất ở, các xã bố trí lực lượng giúp đỡ làm nhà để sớm ổn định cuộc sống.

Là huyện vùng cao, đời sống nhân dân nơi đây còn khó khăn cộng với điều kiện địa hình đồi núi dốc, do vậy, việc tìm nơi ở mới cho những hộ di dời khẩn cấp cần được nhà nước đầu tư, quy hoạch quỹ đất dân cư và xây dựng các khu tái định cư. Có như vậy, người dân vùng cao sẽ bớt lo lắng mỗi khi lũ về.

Đỗ Tuấn Anh (TTXVN)
Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân cuối cùng vụ sạt lở đất tại Hòa Bình
Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân cuối cùng vụ sạt lở đất tại Hòa Bình

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, 11 giờ ngày 18/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 2 nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở đất đặc biệt nghiệm trọng tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN