21 bệnh nhân phong kêu khóc vì bị bỏ đói

Những bệnh nhân này không thể tự phục vụ, bị nhân viên Trung tâm da liễu Hà Đông (Hà Nội) phát gạo, thịt sống, rau rồi bỏ mặc. Nhiều người kêu khóc vì đói bởi không biết làm thế nào nấu ăn được.


Sự việc xảy ra sáng 4/5, ngày 10/5 đã được Sở Y tế Hà Nội xác nhận và yêu cầu kiểm điểm.


Một bệnh nhân phong nặng tại Trung tâm da liễu Hà Đông không còn khả năng tự phục vụ nhưng được phát thịt sống, rau, gạo hôm 4/5. Ảnh: Quốc Doanh.


Khoa điều trị nội trú của Trung tâm da liễu Hà Đông nằm tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có 91 bệnh nhân phong, trong đó 70 người còn khả năng tự sinh hoạt, 21 bệnh nhân nặng thuộc diện được chăm sóc hoàn toàn ở một khu khác. Một y tá làm việc tại Khoa Điều trị nội trú, Trung tâm Da liễu Hà Đông, cho biết, gần 10h sáng 4/5, khi đi khám cho các bệnh nhân phong thuộc loại phải chăm sóc hoàn toàn thì chị thấy nhiều người kêu khóc vì đói.


Cụ Vũ Thị Bớt, 89 tuổi (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) - một trong số những bệnh nhân bị đói - kể, sáng đó cụ được các hộ lý mang đến phòng một phần gạo đủ nấu hai bữa sáng và chiều, một vài miếng thịt sống cùng ít rau. Cụ thấy lạ hỏi lại thì được trả lời: "Bếp ăn hết gas, không nấu được, nên phải phát đồ sống, còn các cụ làm thế nào thì tùy".


"Tay chân tôi bị phong hết, không tự nấu được nên đành nhờ người pha cho gói mì tôm ăn tạm và nhịn đói đến tối”, cụ Bớt kể.


Thân hình gầy mòn, chân trái bị cụt đến gối do vi khuẩn phong ăn mòn, cụ Nguyễn Văn Dậu, 77 tuổi (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), cho biết, cụ điều trị tại khoa nội trú của trung tâm từ năm 1999 đến nay và chưa bao giờ bị bỏ đói như vậy."Họ thừa biết chúng tôi không thể tự làm gì được, vậy mà vẫn làm thế. Trước đây, cũng có lần tôi bị ốm nặng, phải nằm điều trị 20 ngày trong bệnh xá, các hộ lý không cho tôi ăn, không tắm rửa, thay quần áo cho tôi lần nào. Tôi đành phải 'thuê' hai bệnh nhân khỏe mạnh khác trong khoa nấu ăn và tắm rửa cho", cụ Dậu kể.


Một y tá công tác tại khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da Liễu Hà Đông 18 năm cho biết, đã nhiều lần thông báo tình trạng của các bệnh nhân bị bỏ đói tới ông Vũ Văn Trình, Phó giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông, người trực tiếp quản lý khoa điều trị nội trú để xin chỉ đạo nhưng ông này nói đây không thuộc thẩm quyền của mình và không có động thái gì.


Trả lời báo chí chiều 10/5, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về vụ việc nhiều bệnh nhân phong nặng bị bỏ đói, chiều 6/5, lãnh đạo Sở Y tế và các phòng ban chức năng đã xuống làm việc với Ban Giám đốc và tập thể, cá nhân liên quan của Trung tâm da liễu Hà Đông tại Khoa điều trị nội trú.


"Vụ việc trên là có thật, và họ giải thích do bếp tập thể hết ga", ông Cường nói.Sở Y tế đã kiểm điểm các sai phạm với những người có liên quan và yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Y tế Hà Đông phải báo cáo lại tình hình trước ngày 14/5.


Ông Cường cho biết, Sở cũng đã chỉ đạo Ban giám đốc khu điều trị bệnh phong và da liễn có sự phân công rõ ràng và tuyệt đối không để tình trạng bệnh nhân bị đói xảy ra thêm bất kỳ lần nào nữa, cũng như giải quyết đầy đủ chế độ cho những bệnh nhân theo diện được chăm sóc hoàn toàn như chính sách nhà nước.Vụ việc này cũng đã được Sở Y tế Hà Nội báo cáo bằng văn bản với UBND thành phố.


Theo Vnexpress


Chỉ cần rửa xà phòng là không sợ lây bệnh phong
Chỉ cần rửa xà phòng là không sợ lây bệnh phong

Ngay cả khi chăm sóc người bị bệnh phong nặng, không may tay bị vết xước thì cũng chỉ cần rửa tay bằng xà phòng là không sợ lây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN