Agribank Tây Ninh “bảo hiểm” niềm tin nông dân

Chỉ cần nộp sổ đỏ theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi. Nếu gặp thiên tai, dịch bệnh, họ sẽ được gia hạn nợ và cho vay mới. Đây là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ. Tuy chỉ mới có hiệu lực từ ngày 1/8, nhưng Agribank chi nhánh Tây Ninh đã thu hút được trên 80.000 khách hàng vay vốn với tổng số dư nợ đạt được 8.600 tỷ đồng.


Thêm thu nhập từ vay tín chấp

Anh Hồ Văn Xuân, ấp Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh hồ hởi đón chúng tôi và không giấu niềm vui của mình khi biết có cả cán bộ tín dụng Agribank xuống thăm nhà.

Theo anh Xuân, nhờ có sự hỗ trợ vốn của Agribank chi nhánh Tây Ninh, gia đình anh ngày càng làm ăn khấm khá. Chỉ vào cặp bò và xe bò ở trước cửa nhà mình, anh Xuân khoe với chúng tôi: “Vốn 100 triệu đồng vay tín chấp từ Nghị định 55 đấy! Nhờ có dòng vốn này, nhà tôi kiếm thêm thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày”. Anh Xuân tính toán: “Cặp bò này ngoài phụ cày đất cho 2 ha mía của nhà, tôi còn cho thuê xe bò, trung bình một tháng kiếm khoảng 30 triệu đồng”.

Anh Hồ Văn Xuân bên cặp bò mới mua từ vốn vay theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ.


Cũng theo anh Xuân, đây không phải là số vốn vay đầu tiên của gia đình anh. Trước đó nhiều năm, anh cũng là bạn hàng thân thiết của Agribank. Nhưng khi chưa có Nghị định 55, gia đình chỉ vay tín chấp được vài chục triệu đồng. “Tuy vốn vay không nhiều, nhưng nhờ đó 2 ha mía cho 2 vụ quanh năm. Năm 2014 vừa rồi, gia đình thu hoạch được 190 tấn, lợi nhuận cũng được 50 triệu đồng”, anh Xuân chia sẻ.

Cũng được vay vốn 100 triệu đồng theo Nghị định 55 của Chính phủ, chị Nguyễn Thị Mãnh, ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho hay: “Tôi dành 60 triệu đồng mua máy cày để phục vụ sản xuất, phần còn lại làm vốn lưu động để tiếp tục đầu tư 4 ha lúa”. Theo các cán bộ tín dụng của Agribank, chị Mãnh cũng là khách hàng hơn 10 năm nay của chi nhánh Tây Ninh. Từ vốn vay chỉ có vài triệu đồng, thế nhưng đến nay chị đã có thể tự tin đứng trong ngôi nhà cấp 4 khang trang và làm chủ 4 ha lúa của mình.

Mỗi năm 2 vụ, chị Mãnh có thu nhập khoảng 150 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chiếm đến 50%. Với vốn vay mới đây, việc đầu tư máy cày là một quyết định đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần sau này. “Máy cày không chỉ giúp cho sản xuất lúa theo công nghệ cao, đem lại nhàn hạ mà còn giúp mình có thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình. Thêm nữa, gia đình còn thu được lợi nhuận bằng việc cho thuê máy khi vào mùa. Vì thế, nếu có cơ hội vay vốn thêm lần nữa, tôi sẽ đầu tư thêm diện tích lúa để tăng thêm thu nhập”, chị Mãnh cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Mãnh bên căn nhà cấp 4 mới được xây nhờ những dòng vốn vay tín chấp trong nhiều năm qua.

“Bảo hiểm” niềm tin

Ông Nguyễn Tấn Đạt, PGĐ Agribank chi nhánh Tây Ninh cho hay, để tín dụng theo Nghị định 55 lan tỏa, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ cùng với Hội nông dân và Hội phụ nữ… để đẩy mạnh cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, chi nhánh ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay tiêu dùng đời sống... Nhờ vậy, doanh số cho vay 9 tháng năm 2015 đạt hơn 8.790 tỷ đồng, tăng 732 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, doanh số cho vay hộ sản xuất và cá nhân hơn 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh số cho vay ngắn hạn là hơn 6.740 tỷ đồng, tăng 424 tỷ đồng; doanh số cho vay trung hạn là gần 2.050 tỷ đồng, tăng gần 310 tỷ đồng.

7 lĩnh vực cho vay tín chấp:

- Cho vay các chi phí phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ.

- Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn. - Sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.

- Phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn.

- Phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

- Các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn.

- Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

Cũng theo PGĐ Nguyễn Tấn Đạt, điểm nổi bật cho vay tại chi nhánh là hầu hết các khoản vay tín chấp theo Nghị định 55 đều được các hộ nông dân mua bảo hiểm bảo an tín dụng. “Ban đầu, các hộ nông dân cũng không tin vào bảo hiểm ABIC vì một mặt phát sinh thêm chi phí, mặt khác cũng lo ngại liệu bảo hiểm tín dụng có thực hiện đúng như cam kết hay lại gây thêm rắc rối cho người nông dân. Thế nhưng, sau những đợt đền bù bảo hiểm 100% khi các hộ nông dân khác gặp các trường hợp rủi ro, hầu hết các hộ nông dân khi vay tín chấp đều tự nguyện mua thêm bảo hiểm”, ông Đạt chia sẻ.

Tính đến 30/9/2015, bảo hiểm bảo an tín dụng của ABIC đạt doanh số 24.573 triệu đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 80% kế hoạch doanh thu năm 2015. Trong đó, doanh thu phí hoa hồng 8 tháng đạt trên 5 tỷ đồng và đạt 72% kế hoạch năm 2015. “Điều này cho thấy, bảo hiểm bảo an tín dụng không chỉ tăng hoạt động kinh doanh dịch vụ mà còn phát huy vai trò trong việc giúp ngân hàng yên tâm hơn trong các khoản nợ cho vay tín chấp, đồng thời giúp khách hàng vay vốn tham gia bảo hiểm không bị áp lực về tài chính”, ông Đạt nói. Thừa nhận vấn đề này, anh Hồ Văn Xuân cho biết: “Việc mua bảo hiểm bảo an tín dụng rất có lợi. Phí bảo hiểm 100 triệu đồng cho 4 năm vay tín chấp chỉ có 650.000 đồng/năm, nhưng bảo hiểm lại 100% số tiền vay khi gặp rủi ro bất trắc. Vì thế, gia đình tôi rất yên tâm khi mua bảo hiểm này”.

Việc bảo hiểm tín dụng phát huy tốt hiệu quả đã “bảo hiểm” thêm niềm tin cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Chính vì vậy, bên cạnh phát huy việc đẩy mạnh cho vay vốn, Agribank chi nhánh còn thu hút được các nguồn vốn huy động của bà con, doanh nghiệp. Trong 9 tháng chi nhánh đã huy động được trên 51.500 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi trong dân cư tăng 862 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước; tiền gửi của các tổ chức tăng 98%, tương đương 8,8% so với cùng kỳ. Năm đơn vị có nguồn vốn huy động tăng khá trong năm 2015 là Chi nhánh Agribank Gò Dầu, Trảng Bàng, Châu Thành, Hiệp Ninh, Tân Hưng.

Với kế hoạch đến cuối năm nguồn vốn nội tệ phải đạt 9.924 tỷ đồng, trong đó phấn đấu giữ nguồn vốn ngoại tệ đạt 5.716 ngàn USD, dư nợ nội tệ đạt 8.621 tỷ đồng, dư nợ ngoại tệ đạt hơn 5.390 ngàn USD, Agribank chi nhánh Tây Ninh cho biết sẽ tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, duy trì lãi suất đầu vào hợp lý để thu hút nguồn tiền gửi; đồng thời tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn ổn định có chi phí thấp… để tăng trưởng tín dụng và đảm bảo khả năng thanh toán. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu.
Đăng Giới
Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt được vinh danh
Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt được vinh danh

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2015, Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt (quận 10, TP Hồ Chí Minh) đã vinh dự đứng trong TOP 100 doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh được UBND TP Hồ Chí Minh trao tặng. Đây là những doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN