Khủng hoảng chính trị Ai Cập đang đứng trước nguy cơ leo thang căng thẳng mới, khi cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai đều tuyên bố chiến thắng và làn sóng biểu tình phản đối Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) cầm quyền đã nổ ra rầm rộ.
Đại diện nhóm tranh cử của cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq ngày 19/6 tuyên bố ứng cử viên này đã giành chiến thắng với 51,5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử vòng hai, vượt qua đối thủ là ứng cử viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, Mohamed Morsy. Phe Shafiq cáo buộc Anh em Hồi giáo đưa ra con số sai lệch, đồng thời quả quyết rằng, kết quả bầu cử chính thức, dự kiến công bố trong ngày hôm nay, 21/6, sẽ xác nhận ông là tân tổng thống. Trước đó vài giờ, tổ chức Anh em Hồi giáo cũng tuyên bố lãnh đạo tổ chức này, ông Morsy thắng cử với 52% số phiếu bầu.
Hàng nghìn người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo vẫy cờ biểu tình trên quảng trường Tahir hôm 19/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ngày 20/6, ủy ban bầu cử Ai Cập đã bắt đầu xem xét các đơn khiếu nại từ cả hai phía, đồng thời kêu gọi hai ứng cử viên ngừng đưa ra các tuyên bố chiến thắng trước khi kết quả chính thức được công bố.
Giới phân tích cho rằng cho dù ứng cử viên nào giành thắng lợi, Ai Cập vẫn sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới do mâu thuẫn giữa phe Hồi giáo với hội đồng quân sự cầm quyền. Tân tổng thống Ai Cập sẽ thừa hưởng một nền kinh tế chật vật, bất ổn gia tăng và một đất nước bị chia rẽ sau cuộc nổi dậy, trong khi không còn được hưởng quyền lực gần như tuyệt đối mà cựu Tổng thống Mubarak từng nắm trong suốt 3 thập kỷ do SCAF đã thâu tóm hầu hết quyền lực.
Truyền thông Ai Cập ngày 20/6 đưa tin, cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã chết lâm sàng sau khi được chuyển từ nhà tù tới một quân y viện ở thủ đô Cairô vào tối 19/6 do bị đột quỵ. Tuy nhiên, một nguồn tin từ bệnh viện sau đó đã bác bỏ thông tin này và cho biết ông Mubarak bị hôn mê và đang được điều trị để hồi tỉnh. Ở tuổi 84, ông Mubarak bị chứng khó thở, huyết áp cao và suy nhược nghiêm trọng kể từ khi bị đưa vào tù hôm 2/6, bắt đầu thụ án chung thân. |
Ngày 17/6, SCAF đã công bố bản Tuyên bố Hiến pháp bổ sung, theo đó, Hội đồng này sẽ nắm quyền lập pháp từ quốc hội, cơ quan đã bị tòa án hiến pháp Ai Cập ra lệnh giải tán chỉ hai ngày trước đó. SCAF tự cho mình quyền phủ quyết đối với các dự thảo hiến pháp và can thiệp vào công việc điều hành của tổng thống. Họ cũng sẽ thành lập một ủy ban mới trong vòng một tuần nhằm soạn thảo bản hiến pháp mới trong vòng 3 tháng.
Động thái bám giữ quyền lực của SCAF đã vấp phải một làn sóng biểu tình mới. Từ tối 19/6, hàng chục ngàn người Ai Cập đã đổ về quảng trường Tahrir ở Cairô để phản đối bản Tuyên bố Hiến pháp bổ sung, làm dấy lên những lo ngại về làn sóng bất ổn mới trước thời điểm công bố người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Các nhà hoạt động thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo, đảng Wasat, Mặt trận Tự do vì Thay đổi hòa bình đều tham gia biểu tình.
Trong khi đó, tổ chức Anh em Hồi giáo đang đối mặt với thách thức mới là một loạt đơn kiện lên Tòa án Hành chính Tối cao Ai Cập yêu cầu giải tán tổ chức này. Từng bị cấm hoạt động trong 30 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mubarak, Anh em Hồi giáo là một trong những tổ chức hưởng lợi lớn nhất từ cuộc sụp đổ của chính quyền Mubarak khi giành được nhiều ghế nhất tại quốc hội cũ, và có thể cả trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, Hội đồng quân sự cầm quyền đã có nhiều bước đi nhằm hạn chế ảnh hưởng của tổ chức này như thực thi phán quyết của Tòa án Tối cao về giải tán quốc hội, nơi Anh em Hồi giáo chiếm đa số, và hạn chế quyền lực của tổng thống tương lai. Sáu vụ kiện đã được xúc tiến với yêu cầu giải tán Anh em Hồi giáo và đảng Tự do và Công lý của họ. Dự kiến, Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập sẽ mở phiên tòa về việc giải tán tổ chức Hồi giáo lớn nhất Ai Cập này vào ngày 1/9/2012.
Thu Hằng