Ai Cập không tránh khỏi cuộc bầu cử tổng thống vòng hai

Thông tin từ Ai Cập ngày 25/5 cho biết, với 90% số phiếu đã được kiểm, nước này sẽ phải chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống vòng hai giữa ứng cử viên Mohammed Mursi thuộc nhóm Huynh đệ Hồi giáo và cựu bộ trưởng thời Mubarak, ông Ahmed Shafiq.


 

Các cử tri nữ bỏ phiếu tại một điểm bầu cử tại Cairô ngày 24/5/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Theo thông báo của Ủy ban Tối cao về Bầu cử Tổng thống (HPEC), kết quả chính thức bầu cử vòng một dự kiến sẽ được công bố vào ngày 29/5 tới. Trong trường hợp không có ai trong số 12 ứng cử viên tham gia tranh cử giành được trên 50% phiếu bầu để đắc cử ngay tại vòng một, hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất sẽ tranh cử trong vòng hai, dự kiến diễn ra vào các ngày 16 - 17/6 và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 21/6.


Các điểm bỏ phiếu ở Ai Cập đã đóng cửa lúc rạng sáng ngày 25/5 (giờ VN) sau khi được kéo dài thêm một giờ để tạo điều kiện cho nhiều cử tri thực hiện quyền công dân. Ước tính tỷ lệ cử tri đi bầu đạt khoảng 50%. Chủ tịch HPEC, ông Farouk Soltane, cho biết hai ngày bỏ phiếu nhìn chung đã diễn ra trong hòa bình. Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim nói rằng chỉ xảy ra “những vụ vi phạm nhỏ”. Trong khi đó, Bộ Y tế thông báo có 2 người đã thiệt mạng và 12 người bị thương trong ngày bỏ phiếu thứ hai.


Đây là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên tại Ai Cập kể từ khi chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2/2011. Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF), đang nắm quyền điều hành tại nước này, đã cam kết chuyển giao quyền lực cho tổng thống mới vào ngày 1/7, và khẳng định không thiên vị bất cứ ứng cử viên nào.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 25/5 đã chúc mừng Ai Cập tiến hành cuộc bầu cử “lịch sử”, cho đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển tiếp tại Ai Cập, đồng thời cho biết Oasinhtơn sẵn sàng cộng tác với chính phủ mới ở Cairô.


Theo hãng AFP, dư luận chung ở Ai Cập tỏ ra thận trọng với những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống. Một bộ phận dân chúng mừng vui vì cuộc bầu cử thành công, trong khi nhiều người khác tỏ ra khiếp đảm vì quyền lực của nhóm Huynh đệ Hồi giáo và các ứng cử viên thuộc chế độ cũ.


Kể từ sau khi chế độ Mubarak bị lật đổ, trong giai đoạn chuyển tiếp được đánh dấu bởi các vụ bạo lực đẫm máu và các cuộc biểu tình. Nhiều nhà phân tích cho rằng quân đội, trụ cột của chế độ từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ vào năm 1952, vẫn tiếp tục là một lực lượng quan trọng trong đời sống chính trị của nước này.
Quyền hạn của tân tổng thống hiện vẫn chưa được định đoạt. Hiến pháp của chế độ Mubarak đã bị bãi bỏ trong khi việc soạn thảo bản hiến pháp mới vẫn đang bị đình trệ. Tân tổng thống sẽ phải đối mặt với tình hình kinh tế đáng lo ngại với tình trạng bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng và các hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, kể từ làn sóng biểu tình lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Mubarak hồi tháng 1 - 2/2011.


Hiện tại, cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak, rất ốm yếu ở tuổi 84, đang bị giam trong một bệnh viện của quân đội ở ngoại ô Cairô để chờ tòa án ra phán quyết về tội danh giết người của ông này vào ngày 2/6 tới.


Thanh Bình (P/v TTXVN tại Ai Cập) - H.H – T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN