Hãng thông tấn MENA đưa tin ngày 10/7, Văn phòng Công tố Ai Cập đã ra lệnh bắt giữ ông Mohamed Badie, thủ lĩnh Tổ chức Anh em Hồi giáo, với cáo buộc kích động bạo lực bên ngoài trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tại thủ đô Cairô hôm 8/7.
Người dân Ai Cập vẫy cờ ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nhân vật cấp cao khác của Anh em Hồi giáo cũng bị liệt vào danh sách bắt giữ, trong đó có là ông Mahmoud Ezzat, cấp phó của ông Badie, và các thủ lĩnh Đảng Tự do và Công lý là Essam El-Erian và Mohamed El-Beltagi.
Tuy nhiên, tổ chức Anh em Hồi giáo khẳng định rằng tới trưa ngày 10/7, các thủ lĩnh của họ vẫn chưa bị bắt giam. Người phát ngôn của tổ chức này nói rằng các cáo buộc nhằm vào thủ lĩnh Badie cùng một số thủ lĩnh khác là âm mưu của chính quyền nhằm chia rẽ hàng nghìn người ủng hộ Anh em Hồi giáo đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.
Trong khi đó, hàng nghìn người ủng hộ Anh em Hồi giáo vẫn đang lưu lại bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở đông bắc Cairô để đòi phục chức cho ông Morsi. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết ông Morsi hiện vẫn ở một "nơi an toàn" và chưa bị truy tố về bất cứ tội danh nào.
Hiến pháp bị phản đối
Hiến pháp mới của Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour vừa được thông qua một hôm đã phải hứng chịu một làn sóng phản đối từ các đảng phái vì nó được cho là trao cho tổng thống quá nhiều quyền lực.
Tổ chức Anh em Hồi giáo ngày 9/7 đã bác bỏ hiến pháp lâm thời của ông Mansour, coi đây là hiến pháp của “những kẻ đảo chính”. Đáp lại lời mời tham gia một số vị trí trong nội các mới, tổ chức này đã thẳng thừng từ chối. Một phát ngôn viên tuyên bố: “Chúng tôi không làm việc với những kẻ đảo chính. Chúng tôi từ chối mọi thứ bắt nguồn từ cuộc đảo chính này”.
Đảng Người Ai Cập Tự do cũng coi bản hiến pháp mới là “sự thất vọng lớn lao”. Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh chính ủng hộ lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Morsi, cũng ra tuyên bố phản đối hiến pháp mới. NSF cho rằng hiến pháp được thông qua mà không có sự tham vấn đầy đủ. Còn các thủ lĩnh Tamarod, chiến dịch tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối ông Morsi, cũng phàn nàn về việc không được tham vấn về kế hoạch chuyển giao của Tổng thống lâm thời Mansour.
Thù trong, giặc ngoài
Trước những chỉ trích hiến pháp mới, quân đội Ai Cập đã cảnh báo rằng họ sẽ không để kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp bị gián đoạn và sẽ không để bất kể kẻ nào đe dọa an ninh quốc gia. AFP dẫn nguồn tin tư pháp ngày 10/7 cho biết cơ quan công tố Ai Cập đã buộc tội 200 đối tượng bị cáo buộc dính líu tới các vụ đụng độ bên ngoài trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa làm hơn 50 người thiệt mạng hôm 8/7, trong đó đa phần là những người ủng hộ tổng thống người Hồi giáo Morsi vừa bị phế truất. Tổng cộng đã có 650 người bị bắt giữ trong vụ này, trong đó 450 người đã được tạm tha.
Bất đồng giữa chính phủ lâm thời và những người trung thành với ông Morsi khiến người ta lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đổ máu nữa. Không chỉ thế, chính phủ lâm thời của Tổng thống Mansour cũng phải xử lý các vấn đề trong chính NFS - liên minh đã giúp họ lật đổ ông Morsi. AFP dẫn lời một quan chức giấu tên của một đảng thuộc NSF nói rằng bản hiến pháp cho thấy tổng thống tạm quyền sẽ lại nhận được “các quyền lực về lập pháp, hành pháp và tư pháp” giống người tiền nhiệm. Nhiều người trong NSF lo ngại sẽ lặp lại những sai lầm của giai đoạn chuyển giao trước đó - giai đoạn từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011 đến khi ông Morsi được bầu làm tổng thống tháng 6/2012.
Trước đó, Tổng thống lâm thời Adly Mansours đã ban hành hiến pháp lâm thời với 33 điều, trong đó quy định quyền lực của tổng thống, vạch ra lịch trình sửa đổi hiến pháp đã bị đình chỉ, ấn định thời gian dự kiến tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống…
Thùy Dương (tổng hợp)