An cư cho người dân lạc nghiệp

Trong định hướng thực hiện công tác dân tộc ở vùng đồng bào Khmer, việc giải quyết đất ở gắn với giải quyết nhà ở để đồng bào “an cư” được đặt lên hàng đầu.

 

Xây dựng nhà ở 167 với mục tiêu hỗ trợ đồng bào Khmer “an cư”.

 

Là người có “thâm niên” trong lĩnh vực công tác dân tộc, ông Kim Sươl (nguyên Phó Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Vào những năm đầu thập niên 90, việc giãn dân, di dân để khai phá vùng đất rộng lớn cực Nam đã kéo theo hệ lụy là người dân cầm cố, sang nhượng đất tràn lan. Từ chỗ có nhà có đất ở, tự chủ được nguồn mưu sinh, không ít đồng bào đã phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống”. Ông cũng cho rằng, trong một thời gian dài, tình trạng khiếu kiện đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, bên cạnh sự bức xúc về đất ở thì cũng có một bộ phận “theo gió bẻ măng” bởi thực tế đất đã không còn là của mình, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.


Chính tình trạng sang nhượng, cầm cố đất của người dân mà không có sự quản lí của chính quyền địa phương trong một thời gian dài đã dẫn tới nhiều hệ lụy, mà trước mắt là những khó khăn trong giải quyết khiếu nại tố cáo. Nhưng lâu dài và ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh và mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Nhà nước là hàng vạn hộ Khmer không có đất ở, đất sản xuất, phải lênh đênh cuộc sống làm thuê cuốc mướn để mưu sinh. Không “an cư” nên người dân khó “lạc nghiệp”!


Mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào Khmer dường như không có bước tiến nào đáng kể khi mà đại bộ phận người dân vẫn “rày đây mai đó”. Từ khi Ban Bí thư có Chỉ thị - CT/TW, công tác dân tộc vùng đồng bào Khmer được quan tâm đẩy mạnh, trong đó có Chương trình 135 giai đoạn I (1998 - 2005) được xem là “xây nền” để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trong thời gian 15 năm (1991 - 2005), đời sống của đại bộ phận đồng bào Khmer Tây Nam Bộ vẫn không vượt qua ngưỡng “đặc biệt khó khăn”. Đến năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn khu vực vẫn xấp xỉ 40% (Sóc Trăng có khoảng 92.000 hộ Khmer, nhưng tỷ lệ hộ nghèo gần 43%, theo tiêu chí hộ nghèo năm 2005).


Một khi người dân chưa ổn định chỗ ở thì sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước chỉ như “gió vào nhà trống”. Từ cuối năm 2004, thực hiện Quyết định 134 của Chính phủ về hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sạch sinh hoạt cho đồng bào Khmer, các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã triển khai giải quyết nhu cầu “an cư” cấp thiết của người dân. Tính đến nay, toàn vùng đã có khoảng 20.000 hộ Khmer được hỗ trợ đất ở, khoảng 90.000 hộ được “an cư” trong những ngôi nhà xây kiên cố.


Nhưng vẫn còn đó nhiều hộ gia đình không tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi Quyết định 134 rất rõ ràng, “đất là đất, nhà là nhà”, không có việc “hai trong một” (hộ dân được hỗ trợ đất ở thì không được hỗ trợ nhà 134 và ngược lại - pv). Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chương trình 134, Chương trình 135, Quyết định 32... lồng ghép với các nguồn vốn từ các chương trình khác như: 167, 74, Dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường cho đồng bào Khmer... theo số liệu thống kê của tỉnh, trong thời gian qua đã hỗ trợ .8 căn nhà ở cho đồng bào Khmer, với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng. Cấp đất ở cho 1.393 hộ, tổng giá trị hơn 13,9 tỷ đồng; chuyển đổi, mua sắm nông cụ cấp cho 3.895 hộ, tổng giá trị 11,5 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 1.718 lao động, tổng giá trị 3,542 tỷ đồng...


Mặc dù còn những vướng mắc do đặc thù vùng miền (khó giải quyết đất sản xuất, đào tạo nghề chưa phù hợp thực tiễn) nhưng công tác giải quyết đất ở theo Quyết định 74/2007 với việc lồng ghép thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 167 ở Tây Nam Bộ đã đi đúng lộ trình. Một thực tế minh chứng cho hiệu quả của những chính sách này là những năm gần đây, tình trạng khiếu kiện về đất (do nhu cầu quá cấp thiết về đất ở) ở vùng đồng bào Khmer đã giảm hẳn, an ninh trật tự đã được giữ vững. Quan trọng hơn, đồng bào “an cư” đã góp phần không nhỏ giảm tỷ lệ hộ nghèo với mức bình quân giảm 3 - 4% mỗi năm. Với kết quả này, những chính sách hỗ trợ đồng bào thời gian tới sẽ không còn phải đầu tư dàn trải theo hướng “cào bằng” mà sẽ tập trung theo chiều hướng phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Niềm vui cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được nhân lên khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 29/2013/QĐ - TTg về hỗ trợ đất ở và việc làm từ nay đến năm 2015. Theo quyết định này, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn sẽ được giao đất trực tiếp để làm nhà ở nếu chưa có đất, hỗ trợ bằng tiền cho các đối tượng cần vốn để làm các ngành nghề hoặc để chuộc lại đất sản xuất đã chuyển nhượng, thế chấp. Quyết định cũng nêu rõ, các hộ được cấp đất ở phải làm nhà ở, không được chuyển nhượng, thế chấp, mua bán cho người khác trong thời gian 10 năm, kể từ ngày được Nhà nước giao đất. Trong thời hạn này, nếu hộ được cấp đất di chuyển đi nơi khác thì phải giao lại đất đã được cấp cho chính quyền địa phương. Các hộ, lao động được hỗ trợ cho vay vốn để chuyển đổi ngành nghề phải sử dụng kinh phí đúng mục đích.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN