Ấn tượng nghề đục đá của người Tày

Từ bao đời nay, người dân tộc Tày ở xã Minh Quang, huyện vùng cao Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vẫn duy trì được nghề đục đá truyền thống của dân tộc mình. Điều đáng chú ý, những năm gần đây, trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang bị mai một thì nghề đục đá ở đây vẫn đứng vững và phát triển.

Ông Ma Doãn Tiều, 82 tuổi, thôn Nà Khau, xã Minh Quang - người có 60 năm gắn bó với nghề đục đá cho biết: Không ai biết nghề đục đá của làng tôi có từ khi nào. Nghề đục đá ở đây cũng không hề có trường lớp hay thầy dạy chuyên môn nào hướng dẫn một cách đầy đủ, bài bản mà phần nhiều do kinh nghiệm và sự sáng tạo của những người thợ truyền lại cho nhau từ đời này qua đời khác.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet.

Cũng theo ông Tiều, để theo nghề này đòi hỏi người thợ phải có lòng kiên trì và óc thẩm mỹ. Từ một tảng đá thô sơ, tùy theo yêu cầu sản phẩm (kê cột nhà, bộ lục bình…), người thợ dùng búa đục, rồi mài từng góc cạnh để tạo ra những đường cong uốn lượn, mềm mại, sau đó vẽ hoa văn. Đây được xem là khâu quan trọng nhất để biến một sản phẩm thô thành tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Mỗi họa tiết hoa văn được những người thợ tỷ mẩn trong từng nét đục; các nét chạm phải nhích từng ly thì mới tạo ra những “bức họa” tinh tế từ đá.

Còn anh Ma Công Tùng, 23 tuổi, một thợ đá mới vào nghề ở thôn Nà Giàng, xã Minh Quang tâm sự: Công việc đục đá đòi hỏi kinh nghiệm, sự kiên trì khéo léo vì mỗi tảng đá có hình dạng, thớ vân khác nhau nên người thợ phải biết tính toán xem nên đưa búa nặng hay nhẹ, đưa mũi đục theo hướng nào… để có được sản phẩm theo ý mình, tảng đá không bị vỡ tung. Ngoài ra, đ ể tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, ấn tượng, người thợ đục đá phải không ngừng tìm tòi những nét mới trong từng đường nét hoa văn và phong cách trang trí .

Trước kia, nghề đục đá ở đây chủ yếu làm ra các đồ dùng phục vụ sinh hoạt hàng ngày như: cối giã, cối xay... được người dân đem bán tại các chợ phiên trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, những chiếc máy hiện đại như: máy say sát gạo, máy tuốt lúa… dần thay thế những đồ dùng thủ công, nên đồng bào dân tộc Tày ở Minh Quang đã phải tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống của dân tộc mình, đó là làm ra những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Ông Ma Đức Kiêu 66 tuổi, thợ đá ở thôn Khau Téo, xã Minh Quang kể: Trước đây, toàn bộ công đoạn chế tác đều phải làm thủ công, bởi vậy người thợ phải mất rất nhiều thời gian, công sức để có được một sản phẩm ưng ý. Nhưng ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của các phương tiện, máy móc hiện đại (máy khoan đá), năng suất lao động cải thiện rất nhiều. Chẳng hạn như để làm một bộ đá kê chân cột 24 cái một đội thợ khoảng 5 người phải làm mất hàng tháng nhưng nay chỉ cần khoảng 1 tuần là xong.

Ông Ma Đình Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: Hiện toàn xã có hơn 20 gia đình, với khoảng hơn 100 người làm nghề đục đá. Nghề phụ này đang tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập khá (từ vài chục đến vài trăm ngày đồng/ngày). Điều đáng mừng, các hộ gia đình và người thợ rất biết đoàn kết, tập hợp lại thành từng nhóm để nhận việc và hỗ trợ nhau mỗi khi cần. Cũng theo ông Lượng, xã Minh Quang đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để duy trì và phát triển nghề đục đá truyền thống của đồng bào dân tộc Tày./.



Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN