Mỗi lần về quê (thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), tôi lại bồi hồi nhớ tới Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Vân Liệu (tức Nguyễn Thị Liệu), người cháu thân yêu của mình đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn, ngày 27/5/19, trong một trận bom rải thảm B52 của giặc. Suốt mấy chục năm qua, tôi đã gặp những người ruột thịt, bạn bè của Vân Liệu ở quê hương và nhiều đồng đội năm xưa của chị. Nhắc tới chị, đồng đội xúc động, không sao cầm được nước mắt, tiếc thương người chiến sĩ, người bạn gái đẹp người, đẹp nết, hát hay, múa dẻo mà gan góc, kiên cường. Chính những đồng đội này ở các cương vị công tác khác nhau và nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành đã kiên trì từ năm này sang năm khác tìm tài liệu, xác minh thành tích, góp phần đem lại niềm vui, làm cho linh hồn Vân Liệu được thảnh thơi. Kết quả là ngày 10/4/2001, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng chị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Thị Vân Liệu (người ngồi ngoài cùng bên trái) trong Đoàn Chủ tịch Đại hội chiến sĩ thi đua mùa khô 1966 -1967 tại Hương Đô, Hà Tĩnh. Ảnh: Tư liệu |
Tôi đã lặng lẽ ghi chép những mẩu chuyện, những ký ức của nhiều người về bao nét đẹp trong tâm hồn, tính cách, trong cách đối xử đời thường của Vân Liệu, để từ đó có thể cắt nghĩa một phần câu hỏi: Vì sao một cô gái nông thôn thùy mị, nết na, trình độ văn hóa mới bước sang cấp 2 bổ túc văn hóa, dám coi cái chết nhẹ như lông hồng, trở thành người anh hùng nổi tiếng trên toàn tuyến đường Trường Sơn với phương pháp phá bom nổ chậm mà mặt đường không bị phá hỏng?
“Bác sỹ diệt vi trùng trong mạch máu giao thông”.
Các cô giáo Mai Ngọc Dung, Đặng Lan Hương… từng là giáo viên trường cấp 2 “Ba đảm đang” xã Thi Sơn đến nay vẫn còn nhớ những ấn tượng đẹp về buổi sáng mùa hè tháng 5/1967 Vân Liệu đến thăm mái trường quê hương và kể chuyện Trường Sơn cho toàn trường nghe. Chị kể một cách tự nhiên, khiêm tốn về chiến công của đồng đội và bản thân trong hơn một năm trời mở đường Quyết thắng dài 124 km, vượt qua bao gian lao, nguy hiểm để “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”, “Tim có thể ngừng đập, mạch máu giao thông không thể tắc”. Vân Liệu tả kỹ về lần phá bom nổ chậm vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, tức 11/2/1967. Hôm đó tiểu đội Liệu phát hiện một quả bom nổ chậm thân chui sâu xuống đất, đầu ngóc lên trên. Chị phân công hai đồng chí cảnh giới hai đầu để mình chị xoay sở, đối phó với quả bom. Tiện trong tay có con dao rựa, chị cúi xuống dùng dao moi đất. Đất ở đây bị đạn bom thù xới lộn tơi như cám nên đào chẳng mấy khó khăn. Khi đào xuống gầm quả bom, phải cúi rạp người, tay trái Liệu ôm bom, tay phải thọc sâu moi đất như hồi ở nhà chị thò tay vào hang bắt cua trên cánh đồng làng Quyển Sơn. Sau khi đào đất xong, Liệu lấy mảnh giấy bìa cứng gói thuốc mìn (1,3kg) quấn lại thành hình phễu, ép dưới thân bom. Chị chọn một kíp mìn định hướng ép vào chóp phễu rồi nện đất thật chặt. Thuốc nổ đặt xong, Liệu phủi tay, bật máy lửa dí vào kíp mìn rồi chạy ra xa tránh sức nổ. Một lúc sau, hai tiếng nổ ùng, oàng nối tiếp vang lên, nhưng nghe dòn dã hơn tiếng nổ lần trước, cách đó 18 ngày do Liệu phá. Liệu và các bạn chạy ùa đến hiện trường xem, reo lên sung sướng, vì quả bom ở giữa đường đã biến mất, chỉ để lại trên mặt đường một lỗ nhỏ bằng cái chảo con. Liệu đã hoàn thành công việc nguy hiểm này một cách nhanh chóng, tiết kiệm được một nửa số thuốc nổ và không làm hỏng đường. Chẳng bao lâu, phương pháp phá bom nổ chậm tối ưu ấy của Nguyễn Thị Vân Liệu được áp dụng trên toàn tuyến đường huyền thoại Trường Sơn. Có chiến sĩ công binh đã tặng chị hai câu thơ:
Anh gọi em là bác sĩ được không
Vì em đã diệt vi trùng trong mạch máu giao thông?
Chị vừa dứt lời, từng tràng vỗ tay của thày, trò liên tiếp vang lên. Nét mặt của các em học sinh đều rạng rỡ, tự hào về quê hương có người chiến sĩ dũng cảm như chị Liệu. Cô giáo dạy Văn Mai Ngọc Dung nói rằng, hôm ấy kể chuyện xong, Vân Liệu còn hát tặng toàn trường ca khúc “Bế Văn Đàn ơi!” của Huy Du. Giọng hát của chị vừa hay vừa sâu lắng, truyền cảm vô cùng. Đáp lại thịnh tình của Vân Liệu, cô giáo Mai Ngọc Dung liền cất cao tiếng hát bài “Lời anh vọng mãi ngàn năm” của Vũ Thanh ngợi ca tấm gương bất khuất của Nguyễn Văn Trỗi. Còn các em học sinh như Nguyễn Thị Gia Hảo, Nguyễn Thị Thuấn, Đinh Thị Vượng, Nguyễn Thị Tần… chạy ùa lên nắm tay chị Vệ (tên thường gọi ở nhà của Liệu), không muốn rời xa chị.
“Tì vết” lý lịch
Tôi và Liệu là hai chú cháu, tuổi xấp xỉ nhau (Liệu sinh 6/1945, kém tôi mấy tháng), lại ở cùng một xóm nên hai chú cháu thường xuyên trao đổi chuyện trò. Tôi nhớ chiều hôm đó (28/6/1965), từ nơi sơ tán của Khoa Ngữ - Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đến thẳng thôn Dộc, xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng thì gặp Liệu. Đứng trên con đê làng, gió thổi lồng lộng, cháu tâm sự với tôi về những suy nghĩ của mình, trước khi vào tuyến lửa khu 4. Tôi hiểu những trăn trở nội tâm và quyết tâm của cháu trong môi trường thử thách mới sắp đến. Trái tim của cô gái mới 20 tuổi đầu luôn đau đáu, thổn thức về hoàn cảnh gia đình mình có ông bố di cư vào Nam. Cái “tì vết” trong lý lịch ấy đã ám ảnh, gây trở ngại, thiệt thòi cho Liệu mấy lần. Tôi cũng hiểu con đường phấn đấu dẫn đến chiến công oanh liệt của cháu thật vô vàn chông gai…
Cái “tì vết” lý lịch đó đeo bám Liệu ngay từ khi cô đi làm công nhân xưởng cơ khí thuộc Nhà máy liên hợp dệt Nam Định. Hồi ấy, Liệu đã nổi tiếng là “cây” sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được cấp thẻ kiện tướng của nhà máy. Công việc đang thông đồng bén giọt, thuận lợi thì cô gặp tai vạ. Một người họ hàng phía anh rể của Liệu đe Liệu nếu không cho anh “quan hệ” thì anh sẽ tố cáo với nhà máy rằng cô là con cường hào phản động đi Nam. Vì danh dự, nhân phẩm của mình, Liệu kiên quyết phản đối anh ta và chấp nhận phải xa nhà máy. Cuối năm 1963, cô ngậm đắng nuốt cay trở về quê hương bên người mẹ đang tần tảo làm ruộng, dệt vải và gia đình chị gái.
Tưởng rằng với va vấp đầu đời này, Liệu sẽ nhụt chí tiến thủ, song cô không cam chịu. Đến kỳ tuyển thanh niên xung phong, Liệu hăng hái vui vẻ đăng ký ngay. Trong buổi chiều chia tay Liệu lên đường đi xa ấy, cháu nói ít, nhưng tôi rất hiểu tâm tư, nhất là nỗi vấn vương vì cái lý lịch của cháu. Mấy tháng sau, từ tuyến lửa Nghệ An, ngày 26/9/1965, Liệu viết thư cho tôi: “Nghĩ đến gia đình thì cháu lại rất buồn. Không biết ai có hoàn cảnh như cháu không hở chú?... Chú ơi, cháu cảm thấy buồn vô tận. Nhưng biết làm sao hở chú? Tất cả đối với cháu là đợi ngày thống nhất…”.
Nửa năm sau, ngày 6/3/1966, từ Quảng Bình khói lửa, cháu lại viết cho tôi những lời thư day dứt tâm can: “Hoàn cảnh của cháu, chú đã biết đấy. Bố cháu thì… Mẹ cháu rất khổ tâm. Khi cháu cất bước ra đi và hiện nay cháu nhớ mẹ cháu lắm, không lúc nào cháu dám phụ công mẹ cháu…”.
Mãi sau này tôi mới biết khi viết những dòng thư trên, Liệu vừa trải qua chuỗi ngày vất vả, nguy nan. Chuyện là chỉ vì lý lịch “có vấn đề” mà cô thuộc diện phải ở lại tuyến Nghệ - Tĩnh, chứ không được cùng các bạn đi sâu vào tuyến trong. Mặc cho đại đội trưởng Vụ, trước lúc hành quân, cứ khăng khăng nói: “Tôi không nhận đồng chí Liệu là chiến sĩ của đại đội…”, Liệu vẫn lẽo đẽo vai vác ba lô nặng trĩu cùng các bạn hối hả lên đường. Qua 22 ngày đêm hành quân gian khổ, vượt mưa bom bão đạn của máy bay giặc và thời tiết khắc nghiệt, Liệu và đồng đội đã đặt chân tới địa điểm tập kết ở Quảng Bình. Trước sự bền bỉ và quyết tâm cao độ của Liệu, cuối cùng chị đã được cấp trên công nhận là chiến sĩ chính thức của đơn vị. Liệu nở nụ cười mãn nguyện. Chị Tạ Thị Hoán (kém tuổi Liệu), quê ở thị trấn Quế, cùng huyện với Liệu nhớ lại: Có lần Hoán hỏi Liệu: “Sao chị không ở lại tuyến ngoài mà cứ dẻo dai đi theo đơn vị cho khổ?”.
Liệu nắm chặt tay cô em, tâm sự: “Chị phải đi, phía trước đang cần những người như chị em mình. Chị muốn đi xa nữa, càng đi càng đến gần mặt trận hơn… Biết đâu những ngày này chị sẽ được gặp bố chị…”.
Lời tâm sự chân thành ấy đã giúp ta hiểu thêm về động cơ thôi thúc Liệu lập công. Chắc chắn là do nhiệt tình yêu nước thiết tha, lý tưởng sống cao đẹp và sự thông minh, quả cảm của bản thân mà chị đã có hành động anh hùng rất mực ấy. Và cũng chính vì hoàn cảnh riêng nên Liệu càng muốn được thể hiện bằng hành động cụ thể để đồng đội hiểu đúng phẩm chất của mình và xóa đi mặc cảm. Vì thế mà chị sống và chiến đấu một cách vô tư, hồn nhiên, chan hòa với mọi người.
Năm 1967 là năm Liệu gặt hái được nhiều niềm vui. Cùng với Vũ Tiến Đề của Binh trạm 14, Đoàn 559, chị được bầu đi dự và báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua mùa khô 1966-1967, tổ chức ở Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ngày 2/9/1967, chị vinh dự được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu của Người. Đến mùa khô 1967-19, Liệu tiếp tục lập công xuất sắc, trở thành tấm gương sáng cổ vũ thanh niên xung phong, bộ đội công binh trên toàn tuyến đường Quyết thắng học tập, noi theo.
Vậy mà oái oăm thay, cái “tì vết” trong lý lịch vẫn làm cho chị lao đao, trắc trở. Tôi được biết, Liệu đã được đơn vị quan tâm, cử người về địa phương để xác minh lý lịch của chị. Song đáng tiếc, một vài cán bộ có trách nhiệm ở xã và huyện vì mặc cảm, đố kỵ, hẹp hòi nên cứ một mực cho rằng bố chị di cư vào Nam, không rõ tung tích làm gì. Mà hồi ấy đất nước còn chia cắt, nhận xét như vậy là hết sức nguy hiểm, tổn hại cho sự tiến bộ của Liệu. Có lẽ do ý kiến nặng nề đó, mà cho đến trước lúc hy sinh (5/19), Liệu vẫn chưa được kết nạp Đảng và tuyên dương danh hiệu anh hùng. Đây là một thiệt thòi lớn cho chị, cho lực lượng thanh niên xung phong Trường Sơn. Sự thực là ông Nguyễn Duy Bình (tức Bường) vào Nam đầu năm 1955 khi đó cô bé Liệu mới 10 tuổi đầu. Ông ra đi bởi ông lo sợ sắp tới có cải cách ruộng đất, nếu bị liệt vào diện cường hào thì ông sẽ bị đấu tố (trước đây có thời kỳ ông làm trưởng bạ ghi chép sổ sách cho xóm làng, nhưng không độc ác với bà con). Vào Sài Gòn, ông đi làm hộ lý cho Viện dưỡng thiện Phú Mỹ, do một bà sơ quản lý. Ông ốm, mất trước khi Sài Gòn giải phóng độ 2 năm…
Trong làn khói hương…
Đầu xuân Quý Tỵ vừa qua, tôi trở lại Quảng Trị, đến nghĩa trang Trường Sơn thắp hương tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Thị Vân Liệu và bao liệt sỹ khác. Trong làn khói hương nghi ngút, giữa núi rừng, trời đất bao la, tôi đứng lặng hồi lâu trước ngôi mộ cháu và trầm ngâm suy nghĩ. Liệu vĩnh viễn ra đi tại km số 3, đường 18 Trường Sơn giữa lúc chị mới 23 tuổi xuân phơi phới. Nỗi đau đớn này thật to lớn quá chừng. Cháu đã làm rạng rỡ, tô đẹp thêm trang sử hào hùng của quê hương. Chính vì vậy mà dân làng Quyển Sơn và cả xã Thi Sơn càng tự hào, thương tiếc người con gái quê hương bất khuất, dũng cảm, hiếu thảo với gia đình, sống dạt dào tình nghĩa với họ hàng, làng xóm. Ai cũng cảm thấy chị vẫn đang có mặt, hòa đồng với mọi người để xây đắp cuộc sống mới hôm nay.
Nguyễn Huy Thông