Anh mạnh tay với người nhập cư trái phép

Chính phủ Anh cam kết sẽ áp dụng các biện pháp mới nhằm ngăn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đang ồ ạt đổ về cảng Calais, thuộc miền Bắc nước Pháp, điểm đến trước trước khi vào Anh bằng tuyến đường hầm qua eo biển Manche, nối liền Anh và Pháp.


Cảnh sát khống chế người di cư.


Theo Bộ trưởng cộng đồng và chính quyền địa phương Anh Greg Clark, một dự luật nhập cư mới dự kiến sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận trong vài tháng tới. Theo đó, các chủ cho thuê nhà tại Anh buộc phải chấm dứt việc cho thuê đối với những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp. Ngoài ra, chủ cho thuê phải kiểm tra tình trạng pháp lý của người nhập cư trước khi cho thuê nhà. Những chủ nhà vi phạm các quy định trên có thể sẽ phải đối mặt với mức án 5 năm tù giam.

Ngoài biện pháp trên, Anh cũng nhất trí sẽ chi tiền để Pháp triển khai thêm 100 nhân viên bảo vệ biên giới tại các chốt đầu đường hầm bên Pháp, nâng tổng số nhân viên được triển khai tại nhà ga Coquelles (Pháp) lên 300 người.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, đây là một trong những biện pháp siết chặt an ninh mà Ngoại trưởng Philip Hammond thông báo ngày 3/8 sau khi chủ trì cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp Cobra thuộc chính phủ thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư qua đường hầm Channel.

Cũng bắt đầu từ tối 3/8, Lực lượng biên phòng Anh và cảnh sát Pháp sẽ cử đại diện trực tại phòng điều hành của hãng Eurotunnel (nhà điều hành và quản lý đường hầm Channel) tại ga Coquelles của Pháp để tăng cường sự phối hợp nhằm ngăn chặn người di cư xâm nhập vào Anh trái phép. Ngoại trưởng Hammond đánh giá mức độ hợp tác giữa cơ quan chức năng Anh, Pháp với hãng Eurotunnel đã cải thiện rất nhiều trong 48 giờ qua, trong đó những chuyến tàu hỏa có người di cư trái phép trốn lên đã được hãng này điều khiển quay trở lại ga Coquelles.

Theo ông Hammond, việc gia cố rào chắn quanh lối vào đường hầm Channel bên Pháp sẽ được hoàn tất vào ngày 7/8. Giới chức Anh cũng hy vọng rằng việc Bộ Quốc phòng Anh cho phép sử dụng tạm thời một số căn cứ quân sự làm bãi đỗ xe sẽ giảm bớt áp lực với các tài xế xe tải đang chịu cảnh ách tắc kéo dài do tình trạng ngưng trệ tại đường hầm.

Ngoại trưởng Hammond nhấn mạnh Anh và Pháp sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để Liên minh châu Âu (EU) có chính sách mạnh tay hơn nhằm hồi hương người nhập cư. Hai nước cũng sẽ nỗ lực ngăn chặn những người di cư chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên, thông qua quan điểm rõ ràng rằng "đường phố của họ không phải được lát bằng vàng" - giống như ví von của Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May hồi cuối tuần.

Hiện có khoảng 3.000 người di cư - chủ yếu đến từ các nước xung đột và đói nghèo gồm Syria, Eritrea, Sudan, Iran và Iraq, đang tập trung tại thành phố cảng Calais của Pháp để tìm cách vào Anh. Cuộc khủng hoảng di cư này đã trở thành một đề tài chính trị "nóng" gần đây và khiến mối quan hệ giữa Anh và Pháp gần đây trở nên căng thẳng. Trước đó, ngày 2/8, Quyền lãnh đạo Đảng Lao động Harriet Harman cho rằng khủng hoảng di cư đã tiêu tốn của nước Anh khoảng 700.000 bảng (900.000 euro)/ngày và việc các doanh nghiệp và người dân Anh phải gánh chịu phí tổn do những thiếu sót an ninh ở khu vực biên giới với Pháp là "không thể chấp nhận được".

TTXVN/Tin tức
Pháp, Anh giải quyết khủng hoảng người di cư qua hầm Channel
Pháp, Anh giải quyết khủng hoảng người di cư qua hầm Channel

Pháp và Anh ngày 2/8 tuyên bố thắt chặt hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư qua tuyến đường hầm Channel xuyên eo biển Manche.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN