APEC 2017: Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 23/8, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Diễn đàn APEC về Khởi nghiệp nông nghiệp và đổi mới công nghệ trong nông nghiệp.

Diễn đàn về Khởi nghiệp nông nghiệp và đổi mới công nghệ trong nông nghiệp. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Những khó khăn và “nút thắt”, cả khách quan và chủ quan đối với các doanh nhân, doanh nghiệp lựa chọn con đường khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao cũng như các giải pháp để doanh nghiệp đến với nông nghiệp công nghệ cao đã được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi.

Ông Godefroy Grosjean, chuyên gia về chính sách khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế tại Hà Nội cho biết, bất cập lớn nhất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực hiện nay là đất đai; bởi muốn phát triển nông sản địa phương thành sản phẩm hàng hóa để xuất khẩu thì cần sản lượng cao, nhưng diện tích đất nông nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương lại đang rơi vào tình trạng suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, ngoài ra, nguồn nước cho nông nghiệp cũng trở nên khan hiếm hơn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, vướng mắc trong liên kết giữa người có ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với người nghiên cứu nhưng lại không biết chuyển giao ở đâu khiến việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Grosjean, muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả thì phải có quy mô, muốn xuất khẩu thì cần sản phẩm. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ có khả năng đáp ứng về số lượng thành phẩm mà không thể đảm bảo chất lượng đồng nhất sẽ khiến cho việc quản trị, truy suất nguồn gốc của các cơ quan thẩm quyền gặp khó khăn, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không đảm bảo. Từ đó, khiến cho uy tín của các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp nông nghiệp trong mắt nhà nước sở tại bị ảnh hưởng.

Thực tế này đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần chung tay đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Trong đó, ưu tiên về tăng cường quảng bá tiềm năng phát triển nông nghiệp và khả năng ứng phó thách thức của biến đổi khí hậu của khu vực để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ vấn đề chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp yên tâm tập trung nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm.

Trao đổi bên lề diễn đàn với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Khắc Minh Trí, CEO của MimosaTEK – doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên về các giải pháp cho nông nghiệp công nghệ cao, một hạn chế khác trong khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam, là cách thức canh tác theo thói quen và kinh nghiệm cha truyền con nối chứ không dựa vào khoa học của người nông dân. Điều này gây ra nguy cơ thất thoát, lãng phí đầu tư mà hiệu quả không tương xứng, đặc biệt là đối với nguồn nước tưới nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Trí, người nông dân dù rất ngại thay đổi nhưng lại rất dễ bị thuyết phục khi được chứng kiến tận mắt những lợi ích cụ thể mà các mô hình, giải pháp mới có thể mang lại.

Do đó, ngay từ thời điểm thành lập, MimosaTEK đã bắt tay triển khai ngay những mô hình hợp tác kinh doanh bền vững với người nông dân trong một thời gian dài thay vì chỉ tiếp thị hoặc bán giải pháp quản lý sản xuất; trong đó, hệ thống tưới chính xác tự động qua điện thoại thông minh, dựa trên phân tích cảm biến thời tiết và chất lượng đất trồng để đưa ra giải pháp tưới tiêu phù hợp nhất cả về thời gian tưới và lượng nước sử dụng; đến nay, bước đầu đã được bà con nông dân đón nhận.

Thông qua diễn đàn lần này, ông Trí mong muốn có cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với những doanh nhân trẻ, giúp họ khởi đầu thuận lợi hơn.

Một yếu tố quan trọng khác được nhiều đại biểu quan tâm chính là vấn đề hỗ trợ vốn ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Cao Thăng Bình, chuyên viên cao cấp Ngân hàng thế giới, văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp kêu gọi vốn từ các ngân hàng truyền thống thường khó khăn hơn các lĩnh vực khác do đầu tư nông nghiệp mức rủi ro cao hơn; trừ phi doanh nghiệp sử dụng những công nghệ đã được chứng minh và ứng dụng thực tế trong thời gian dài.


Điều này, theo ông Bình, là đi ngược lại với tiêu chí khai thác các phát kiến khoa học tiến bộ của các doanh nghiệp khởi nghiệp, khiến họ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Tuy nhiên, theo ông Bình, vẫn có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua hệ thống các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, đặc biệt là Ngân hàng thế giới, hoặc các doanh nghiệp đa quốc gia quy mô lớn luôn sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng triển vọng, đột phá cùng đội ngũ nhân sự tốt.

Do đó, ông Bình nhấn mạnh, việc tìm nguồn đầu tư không phải là vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp, mà quan trọng là tính khả thi của ý tưởng và bản lĩnh, khả năng của chính bản thân doanh nghiệp để tạo lòng tin với đối tác.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) chia sẻ, tuy chỉ mới khởi động với những bước đi đầu tiên cùng nhiều thách thức phía trước, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp APEC bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết đang dần lan tỏa tinh thần nông nghiệp công nghệ cao đến với thế hệ doanh nhân tương lai.

Đồng thời, nỗ lực học hỏi, tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý báu để hoàn thiện và nhân rộng những ý tưởng sáng tạo dựa dựa trên nền tảng khoa học tiến bộ, nuôi dưỡng giấc mơ thay đổi nền nông nghiệp khu vực.

Hồng Giang (TTXVN)
APEC 2017: Thảo luận nhiều nội dung về y tế và thương mại
APEC 2017: Thảo luận nhiều nội dung về y tế và thương mại

Tiếp tục Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 23/8 đã có 13 hoạt động của các Ủy ban, Tiểu ban và Nhóm đối thoại được diễn ra với nội dung trọng tâm là đối thoại về chính sách trong lĩnh vực y tế và thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN