Kim ngạch thương mại hai chiều vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng Brunei đã trở thành đối tác thương mại tiềm năng và ổn định của Việt Nam.
Gạo là một trong những mặt hàng mà Brunei nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Đặc biệt, sự góp mặt của Quốc vương Brunei tại Hội nghị APEC 2017 vào tháng 11 tới tại Việt Nam sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ và mục tiêu chạm mốc 500 triệu USD thương mại song phương vào năm 2025 cũng sớm thành hiện thực.
Đối tác tin cậy
Mặc dù khác nhau về diện tích, dân số và văn hóa, nhưng giữa Việt Nam và Brunei lại có quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Hơn nữa, hai nước cũng đã tham gia tích cực, chủ động và đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực phát triển, phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN. Điều này góp phần tăng cường đoàn kết, nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, so với các thị trường khác, Brunei là thị trường nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Brunei đạt 97,7 triệu USD, tăng 32,6% so với năm 2015 chủ yếu là hàng thủy sản và gạo.
Chính vì vậy, để kết nối và hiểu rõ hơn về đất nước, con người và thị trường của nhau, thời gian qua hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm và làm việc. Đơn cử năm 2016, nhận lời mời của Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam từ ngày 26 - 28/8.
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei, Pehin Dato Lim Jock Seng đã thăm chính thức Việt Nam và tham dự Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Brunei.
Mặt khác, Việt Nam và Brunei còn có nhiều cơ chế hợp tác và ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận xúc tiến thương mại, thường xuyên tổ chức hội chợ, hội thảo giới thiệu tiềm năng kinh tế của mỗi nước.
Ngoài ra, hai bên cũng đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Bản ghi nhớ về hợp tác thể thao và thanh niên, Bản ghi nhớ về hợp tác dầu khí… Đây là những văn kiện sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí...
Đặc biệt, lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao việc Brunei đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, tham gia các dự án theo mô hình hợp tác công - tư (PPP), tham gia các dự án năng lượng, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, chế biến thực phẩm xuất khẩu ở Việt Nam.
Đây sẽ là nền tảng căn bản, tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và Brunei hợp tác đầu tư, kinh doanh và cùng phát triển bền vững, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, phía Việt Nam cũng đề nghị Brunei tạo điều kiện cho các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia các dự án thăm dò, khai thác và cung cấp các dịch vụ dầu khí chất lượng cao tại Brunei, bởi đây là lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh và tiềm năng.
Ngược lại, Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên gia triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản; mong muốn các Bộ trưởng Năng lượng, Nông nghiệp… của Brunei thời gian tới sẽ thăm làm việc tại Việt Nam để bàn hợp tác biện pháp hợp tác cụ thể.
Hướng tới mục tiêu
Để quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Brunei đạt mốc 500 triệu USD vào năm 2025, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hai nước cần phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư.
Cùng đó, tăng cường trao đổi đoàn các cấp cũng như phối hợp để triển khai Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác thương mại và công nghiệp.
Ngoài việc đề nghị phía Brunei tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án dầu khí, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải hy vọng Brunei sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý sản phẩm cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam theo tiêu chuẩn cho người hồi giáo (Halal).
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía nhà nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động chuẩn bị chu đáo qua việc xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như: kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm...
Cùng đó, các doanh nghiệp cần cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp để giữ vững thị phần trong nước và tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.
Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên việc phân tích và đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại và đích hướng tới. Và trước tiên, các doanh nghiệp phải hoạch định chiến lược marketing cụ thể khi xuất khẩu sang thị trường Brunei.
Còn theo Bộ trưởng Lim Jock Seng, trong bối cảnh thương mại nội khối ASEAN vẫn còn ở mức thấp, Việt Nam và Brunei cần tăng cường hợp tác trao đổi thương mại nội khối nhiều hơn. Bên cạnh đó, tranh thủ tận dụng những tiềm năng, sức mạnh của các thị trường lớn trong khối nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác lớn bên ngoài.
Bộ trưởng Lim Jock Seng khẳng định: Brunei sẽ ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 và nhất trí sẽ tổ chức kỳ họp Ủy ban Hợp tác Song phương lần thứ 2 tại Brunei vào năm 2019.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Brunei do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Quốc gia Brunei phối hợp tổ chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Brunei cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong việc nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khuyến khích các doanh nghiệp Brunei đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nước này có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu. Ngoài ra, Việt Nam có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp Brunei hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển như: năng lượng - dầu khí, tài chính, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, phát triển hạ tầng.
Không dừng lại ở đó, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo đảm các cam kết để các nhà đầu tư Brunei nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung làm ăn thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. Việt Nam luôn coi sự thành công của các doanh nghiệp cũng chính là thành công của mình.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng rằng, với những tín hiệu ổn định của nền kinh tế vĩ mô, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, kết quả tích cực của cải cách môi trường đầu tư, nhất là sự hợp tác tin cậy, hiệu quả giữa hai nước đã được vun đắp qua 25 năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam - Brunei sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.