GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh các giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ trong chiến dịch tiêm chủng vắcxin sởi - rubella trên phạm vi cả nước, diễn ra từ nay đến hết tháng 2/2015. GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương |
Sau vụ dịch sởi hồi đầu năm, nhiều bà mẹ đã chủ động đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi. Do đó, nếu theo chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella (MA) thì chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều trẻ sẽ tiêm tới 3 mũi vắcxin sởi; như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không, thưa ông?Nếu trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi đúng lịch thì trẻ có thể được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Tuy nhiên, trẻ chưa được bảo vệ phòng bệnh rubella nên cần được tiêm vắcxin phối hợp sởi - rubella trong chiến dịch. Việc nhắc lại thêm một mũi sởi nữa không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Với những trẻ đã tiêm 1 mũi vắcxin sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella vẫn cần được tiêm thêm 1 mũi vắcxin sởi - rubella trong chiến dịch (trừ trường hợp mới tiêm trong vòng 1 tháng gần đây, vì sẽ làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắcxin chiến dịch).
Liệu chiến dịch này có bảo đảm được mục tiêu tiến tới loại trừ dịch sởi vào năm 2017 như cam kết của Việt Nam với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không, thưa ông? Bởi đầu năm, ngành y tế cũng đã triển khai tiêm vét vắcxin sởi nhưng mới đây, dịch sởi vẫn xuất hiện ở tỉnh Sơn La và Hòa Bình, với 130 ca mắc?Việc triển khai chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi cho trẻ sau khi xảy ra dịch sởi được các địa phương thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ giới hạn ở trẻ độ tuổi từ 9 tháng - 24 tháng và chỉ mở rộng tới trẻ 5 tuổi, 9 tuổi và 15 tuổi ở một số ít vùng nguy cơ cao. Do đó, chiến dịch tiêm vét vừa rồi chỉ bảo đảm tỷ lệ miễn dịch ở một số vùng nhất định, chưa bảo đảm tính miễn dịch cho cả cộng đồng.
Hiện tượng dịch sởi mới đây lại xuất hiện ở tỉnh Hòa Bình và Sơn La là một minh chứng khẳng định cần phải tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn với tỷ lệ cao, không bỏ sót, đặc biệt tại vùng sâu,vùng xa... Đơn cử, trong chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi đã triển khai, Hòa Bình đạt tỷ lệ tiêm chủng là 95%, nhưng vẫn còn 5% trẻ chưa tiêm chủng, thuộc một số thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa nên sau đó, ổ dịch sởi nhỏ vẫn xảy ra. Do đó, câu hỏi làm thế nào để xóa hết những “lỗ hổng” này, cũng chính là vấn đề mà tôi và nhiều chuyên gia dịch tễ lo lắng. Thực tế, không riêng gì tỉnh Sơn La, Hòa Bình mà cả tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang... đều có những “lỗ hổng” miễn dịch tương tự. Ở một số nơi, ngành y tế chưa chủ động báo cáo hết khó khăn trong công tác tiêm chủng cho UBND các địa phương, nên chưa có sự tập trung nguồn lực thích đáng để lấp những “lỗ hổng” này.
Để tránh tình trạng chi rất nhiều tỷ đồng cho tiêm chủng nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra, trong chiến dịch MA này, chúng tôi sẽ tập trung trọng điểm vào những “lỗ hổng” - vùng khó tiếp cận. Vấn đề mấu chốt là các địa phương cần làm tốt công tác thống kê tránh tình trạng địa bàn có 120 trẻ, nhưng chỉ thống kê được 100. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác khám sàng lọc, tránh chống chỉ định quá mức. Do lo ngại xảy ra tai biến, nên một số cán bộ y tế khám “cẩn thận” tới mức trẻ chỉ hơi sổ mũi cũng chỉ định hoãn tiêm; có nơi tỷ lệ này lên đến 10 - 20%. Nếu không thực hiện tiêm vét triệt để cho tất cả trẻ hoãn tiêm chắc chắn sẽ không bảo đảm tỷ lệ miễn dịch chung cho cộng đồng.
´Ngành y tế đã làm gì để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, hạn chế những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra? Vắcxin sởi - rubella sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng là vắcxin do hãng Serum Institute, Ấn Độ sản xuất. Vắcxin này đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của WHO, do Liên minh toàn cầu vắcxin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ kinh phí thông qua UNICEF rồi cung ứng cho Việt Nam. Kết quả thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam cho thấy, vắcxin có tính an toàn cao, ít gây các tác dụng phụ.
Từ nhiều tháng trước, chúng tôi đã tổ chức tập huấn công tác tiêm chủng cho các cán bộ y tế, đặc biệt hướng dẫn công tác khám sàng lọc, kiểm tra độ an toàn của hệ thống dây chuyền lạnh, kỹ thuật tiêm... Yêu cầu các địa phương chỉ đạo, giám sát việc thực hiện quy trình tiêm chủng của các điểm tiêm, bố trí đội chống sốc lưu động để kịp thời xử trí trong trường hợp nghi ngờ có phản ứng sau tiêm...
Mặt khác, các đoàn giám sát của Bộ Y tế và của các địa phương sẽ liên tục đi kiểm tra các điểm tiêm về việc thực hiện các quy trình tiêm chủng.
Xin cảm ơn ông! Từ ngày 15/9 tới đầu tháng 10, chiến dịch MA được triển khai thí điểm ở 4 huyện: Thanh Sơn (Phú Thọ), TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) và huyện Cư Kuin (Ðắk Lắk). Dự kiến khoảng 23 triệu trẻ em từ 1 - 14 tuổi trên cả nước sẽ tiêm chủng trong chiến dịch này. |
Phương Liên(thực hiện)