Theo báo mạng "touristiklounge.de" chuyên về du lịch của Đức ngày 9/6, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng trong tháng qua.
Trang mạng "touristiklounge.de" tố Trung Quốc gây căng thẳng với Việt Nam trên biển Đông. |
Nguồn tin cho biết, do bất bình trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ngay trong vùng biển của Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác. Theo bài báo, các phần tử xấu vốn luôn tìm cách lật đổ Chính phủ Việt Nam đã kích động người biểu tình đốt phá hàng chục nhà máy của Trung Quốc trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, khiến một số nhà máy của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc bị hư hại. Cho tới thời điểm này, tình hình đã được kiểm soát và sau các vụ biểu tình quá khích nêu trên, Việt Nam đã khẩn trương đền bù thiệt hại và giảm thuế cho các doanh nghiệp bị hại.
Bài báo khẳng định Việt Nam là một đất nước ổn định, nơi rất hiếm khi xảy ra biểu tình phản đối. Các cuộc biểu tình nêu trên là xuất phát từ vấn đề tự hào dân tộc cũng như chủ quyền đất nước.
Bài báo cũng nêu dẫn các hình ảnh, video tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 7/5 cho thấy rõ những hành động hiếu chiến và khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông. Tác giả nêu rõ, các tàu Trung Quốc đã đâm thẳng, phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam khi các tàu Việt Nam tiến gần giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Các hành động này đã làm bị thương ít nhất 6 người Việt Nam và nhiều tàu của Việt Nam bị hư hại. Bài báo cũng cho biết tại một số nước như Đức, Nhật Bản, Pháp,... người dân Việt Nam đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hoà nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế trước các hành động gây hấn bạo lực của Trung Quốc trên biển Đông.
Bất chấp những xích mích nổ ra trên biển Đông, các hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường ở Việt Nam. Mọi người vẫn đến các khu công nghiệp để làm việc, trong khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn đảm bảo dòng vốn đầu tư ở Việt Nam. Các khu du lịch vẫn luôn mở cửa chào đón khách thăm và cuộc sống tại đây vẫn diễn ra bình thường.