Ở Hà Giang, người Mông có dân số đông nhất (215.461 người), với hai nhóm Mông trắng và Mông hoa. Người Mông sinh sống chủ yếu ở các huyện vùng cao như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Văn hóa truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng gắn liền với những con người trọn đời chỉ quen sống nơi quanh năm có sương mù bao phủ.
Tiếng khèn gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Mông. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Đối với người dân tộc Mông, khèn Mông gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày. Khèn được thổi lên trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi để thi tài, bộc lộ ý chí, nghị lực của con người trong sinh hoạt cộng đồng... Khèn Mông đã trở thành một nhạc cụ quan trọng đối với đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Với người Mông, cây khèn mang ý nghĩa sâu sắc, đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc. Cuộc sống hôm nay không ít giá trị truyền thống bị mai một, nhưng đồng bào Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn vẫn giữ gìn được cây khèn với kỹ năng chế tạo công phu, chuẩn xác.
Những nghệ nhân nổi tiếng về làm khèn Mông tập trung ở các xã Hố Quáng Phìn, Sủng Trái và Vần Chải (huyện Đồng Văn). Cây khèn đã mang âm sắc của một vùng văn hóa, tiếng khèn gọi bạn, gọi tình yêu; tiếng khèn nói lên lòng mình, thổi hồn vào đá.
Đến gia đình ông Mua Sính Pó, dân tộc Mông, người đã có 39 năm gửi gắm cả lòng mình, đời mình vào thân gỗ kim giao bóng nước, vào những thân trúc già vàng óng trước sườn non, tạo nên một âm thanh đặc biệt cho một vùng văn hóa. Ngồi trước những gióng trúc vàng óng đã được chọn lựa kỹ càng, tay cầm con dao mác sắc lịm, gõ vào thân cây, ông Pó nói bằng tiếng Mông: Muốn có một cây khèn mang đúng những âm thanh của người Mông bao đời nay, người Mông làm khèn hoàn toàn bằng những kinh nghiệm "cha truyền, con nối". Hiện nay, người con cả của ông là anh Mua Vạn Tủa đã theo được nghề cha, làm khèn cung cấp cho cả vùng. Nghề làm khèn cũng lắm công phu, cây gỗ kim giao để làm thân khèn, dây rừng để buộc "chét" trên thân khèn phải mua tận huyện Yên Minh, cách xa xóm ông hai ngày đường. Duy chỉ có cây trúc được trồng ngay trong xóm, nhưng không phải cây nào, đoạn nào cũng dùng được vào khèn, có khi cả cây trúc chỉ lấy được một đoạn ưng ý và cũng không ít khi đẵn cả cây xuống rồi chẳng dùng được đoạn nào.
Gỗ kim giao phải chọn cây chỉ nhỉnh hơn thân khèn một chút, khi mang về sơ chế, để lên gác bếp sấy cho khô, những ống trúc để làm "nóng" so hơi cũng phải trải qua quy trình sơ chế ấy. Vừa để chống mối mọt, vừa để có độ chính xác cao khi khoét gióng đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió và khi gặp thời tiết thất thường ít bị co giãn, nứt nẻ.
Việc chế tác khèn Mông thoạt nhìn thì rất đơn giản với 6 ống và 1 bầu cộng hưởng. Nhưng để làm ra chiếc khèn là cả một sự khéo léo của đôi tay và con mắt tinh tường. Những nghệ nhân làm khèn hoàn toàn không dùng đến thước, chỉ đo bằng tay, ước lượng bằng mắt, dùng những dụng cụ để chế tác khèn. Để hoàn thành một chiếc khèn Mông, người nghệ nhân mất gần 10 ngày với giá bán từ 200.000 đến 300.000 đồng, trừ chi phí, mỗi chiếc khi bán lãi được 100.000 đồng. Cuộc sống người dân ở đây vẫn còn khó khăn nên làm một chiếc khèn lãi không nhiều. Nhưng vì phong tục tập quán, vì giá trị truyền thống của dân tộc, những người nghệ nhân ở thôn Tả Cồ Ván vẫn say sưa làm khèn.
Hiện tại, cả xóm Tả Cồ Ván có 29 gia đình làm khèn, đã có nhiều tư thương đến tận xóm Tả Cồ Ván đặt khèn để mang lên huyện bán và mang về thành phố Hà Giang và các tỉnh, thành khác. Trước thực tế những người làm khèn trên địa bàn huyện Đồng Văn quá ít, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn đã tổ chức một lớp dạy làm khèn tại thôn Tả Cồ Ván.
Ông Nguyễn Đình Dích, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: “Chế tác khèn Mông là một nghề truyền thống, một sản phẩm du lịch cần được duy trì và phát triển. Qua khảo sát, tại Tả Cồ Ván, cái nôi của nghề làm khèn ở Đồng Văn, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề kỹ thuật làm khèn ngay tại thôn. Lớp học thu hút 32 học viên là những người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại thôn Tả Cồ Ván, ít nhiều có ảnh hưởng từ cha, ông về chế tác khèn Mông. Đây sẽ là lực lượng bổ sung cho những nghệ nhân làm khèn vốn đang rất hiếm hoi của huyện Đồng Văn”.
Để bảo tồn và phát triển nghề làm khèn Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn, ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm dạy nghề 4 huyện trên cao nguyên đá Đồng Văn mở các lớp đào tạo, dạy nghề làm khèn Mông. Năm 2011, tỉnh đã tổ chức Festival khèn Mông tại huyện Đồng Văn. Tại Festival này, chiếc khèn Mông của Hà Giang đã được xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam là chiếc khèn Mông lớn nhất. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đầu tư kinh phí xây dựng thôn Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) thành một làng nghề làm khèn truyền thống. Qua đó sẽ phát huy được một nghề mang tính “vừa vật thể, vừa phi vật thể” trong vốn văn hóa của một dân tộc trên cao nguyên cực Bắc của Tổ quốc.
Minh Tâm