Ngày 18/6, ông Ahmed Abdul-Atii - quan chức cấp cao phụ trách chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên nhóm Anh em Hồi giáo - tuyên bố ứng cử viên Mohamed Morsi của nhóm này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Ahmed Abdul-Atii tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, sau khi có kết quả kiểm phiếu ở 97% số điểm bỏ phiếu, ông Morsi đã giành được 52,5% số phiếu bầu, trong khi cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq chỉ giành được 47,5%. Sau đó 15 phút, đích thân ông Morsi đã xuất hiện tại cuộc họp báo, nồng nhiệt cảm ơn người ủng hộ và kêu gọi cử tri Ai Cập đoàn kết. Ông Morsi nói: "Mọi người dân Ai Cập đều là anh em, bạn bè của tôi. Tôi đảm bảo với tất cả rằng tôi sẽ đưa Ai Cập tiến tới một quốc gia dân chủ, tự do, phát triển, hòa bình…". Ông Morsi cũng cam kết sẽ không trả thù bất kỳ ai trong tương lai.
Người ủng hộ ông Morsi đã hò reo vui mừng sau khi có thông tin đầu tiên về kết quả bầu cử tổng thống. Hàng trăm người đã tuần hành ăn mừng chiến thắng ở quảng trưởng Tahir. Kết quả chính thức sẽ được ủy ban bầu cử công bố ngày 21/6 tới.
Những người ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo mừng chiến thắng của ứng cử viên Mohamed Morsi trên quảng trường Tahir (Cairô) ngày 18/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tuy nhiên, một thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Shafiq cho biết họ không đồng ý với tuyên bố chiến thắng của nhóm Anh em Hồi giáo. Thành viên giấu tên này nói: "Quá trình kiểm phiếu vẫn đang diễn ra ở Cairô và các khu vực bỏ phiếu lớn khác. Hoàn tất kiểm phiếu trong một thời gian ngắn như vậy là điều không thể nên chúng tôi nghi ngờ kết quả của nhóm Anh em Hồi giáo. Họ đã phóng đại kết quả".
Kiểm phiếu diễn ra ngay sau khi các điểm bỏ phiếu kết thúc lúc 22 giờ (giờ địa phương) ngày 17/6 trên cả nước. Trong vòng bầu cử đầu tiên ngày 23 và 24/5, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 46%; ông Morsi giành được 24,4% phiếu bầu còn ông Shafiq giành được 23,3%. Vòng bầu cử thứ hai diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tòa án hiến pháp tối cao Ai Cập đã ra phán quyết giải tán quốc hội do vi hiến. Như vậy, tân Tổng thống Ai Cập sẽ rơi vào tình thế phức tạp khi nhậm chức mà không có quốc hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairô, ngày 17/6, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) cầm quyền tại Ai Cập đã ban hành Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi để xác định lại lộ trình cho tương lai chính trị ở Ai Cập.
SCAF đã tăng thêm 7 điều khoản vào tuyên bố mà hội đồng quân sự này đã ban hành hồi tháng 3/2011. Theo đó, Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi sẽ giới hạn quyền lực của tổng thống và mở rộng vai trò của quân đội, nhất là cho quân đội có ảnh hưởng nhiều hơn về việc soạn thảo hiến pháp của Ai Cập. SCAF có quyền bổ nhiệm một Hội đồng Lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới nếu hội đồng hiện nay không hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng Lập hiến cần hoàn thành công việc trong vòng ba tháng để đưa ra trưng cầu ý dân. Hội đồng quân sự sẽ nắm quyền lập pháp, thậm chí sau cuộc bầu cử tổng thống, cho tới khi một quốc hội mới được bầu ra. Nhằm tăng thêm quyền cho Tòa án Hiến pháp Tối cao, Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi qui định tân Tổng thống Ai Cập sẽ phải tuyên thệ trước cơ quan tư pháp này, chứ không phải trước quốc hội như Tuyên bố Hiến pháp trước đây.
Thông tin này được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp thứ ba của SCAF trong vòng ba ngày để thảo luận các thủ tục pháp lý sau cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập kết thúc.
Trước đó, thủ lĩnh phe Hồi giáo chiếm đa số trong quốc hội Ai Cập Hussein Ibrahim tuyên bố SCAF không thể giải tán quốc hội, nhấn mạnh phong trào Anh em Hồi giáo sẽ không "đầu hàng cuộc đảo chính" của quân đội. Nghị sỹ thuộc đảng Tự do và Công lý của Anh em Hồi giáo này cũng cho rằng SCAF cần phải tôn trọng bản Tuyên bố Hiến pháp ngày 30/3, theo đó "trao quyền giải tán quốc hội cho nhân dân, chứ không phải SCAF".
Thùy Dương - Bùi Hoàn