Ngày 4/7, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính của quốc hội Anh, cựu Giám đốc điều hành ngân hàng Barclays Plc, ông Bob Diamond, đã thừa nhận Barclays phạm phải “những sai lầm đáng bị khiển trách”.
Ngay sau khi từ chức ngày 3/7, ông Diamond đã tung ra một thông tin động trời: chính các quan chức chính phủ và Ngân hàng trung ương Anh đã “bật đèn xanh” cho Barclays trong vụ thao túng lãi suất.
Ông Diamond tại cuộc làm việc với Ủy ban Tài chính của quốc hội Anh ngày 4/7. Ảnh: AFP/ TTXVN |
“Người hùng ngã ngựa” Bob Diamond, theo cách nói của báo chí Anh, đã đưa ra một bức thư điện tử chứng tỏ sự dính líu của các quan chức chính phủ đến vụ gian lận đang làm rúng động cả xứ sương mù.
Đó là bức thư điện tử mà Diamond gửi cho Giám đốc điều hành Barclays lúc đó là John Varley và Chủ tịch Ngân hàng đầu tư Barclays Capital, Jerry del Missier vào ngày 30/8/2008, tức là một ngày sau khi Diamond có cuộc trao đổi quan trọng với Paul Tucker, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh.
Trong bức thư điện tử này, Diamond cho biết, Tucker nhắc đi nhắc lại với ông ta rằng, một số quan chức cấp cao trong chính phủ đã hỏi ngài Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương về việc tại sao Barclays luôn đặt lãi suất cho vay liên ngân hàng London (Libor) cao hơn tất cả các ngân hàng khác (thời điểm đó, Barclays là ngân hàng duy nhất báo cáo với Ngân hàng trung ương Anh về chi phí vay cao). Diamond đã giải thích với Tucker rằng không phải ngân hàng nào cũng cung cấp những thông tin xác thực. Nhưng Tucker vẫn tuyên bố, Barclays không cần thiết phải để chi phí vay ở mức cao như thế. Theo Diamond, tuyên bố này của Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương có nghĩa là Barclays phải đơn phương cắt giảm chi phí vay.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/7, Barclays cho rằng ở thời điểm trên, các ngân hàng khác đã che đậy sự thật khi báo cáo chi phí vay thấp hơn của Barclays. Barclays khẳng định, họ không phải là ngân hàng gian dối nhất mà là ngân hàng duy nhất nói sự thật.
Barclays cũng cáo buộc các cơ quan chức năng đã làm ngơ trước những thông tin được ngân hàng cung cấp. "Chúng tôi đã báo cáo với các cơ quan chức năng như Ngân hàng trung ương Anh, Cơ quan quản lý tài chính Anh (FSA) và cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Nhưng thật thất vọng là không có hành động hiệu quả nào được thực hiện".
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling bác bỏ thông tin rằng có quan chức trong Bộ Tài chính dính líu đến vụ bê bối này. Ông nói: "Đó sẽ là điều hoàn toàn không thể bào chữa được, không thể tha thứ được và tôi tin là không có chuyện đó". Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh từ chối bình luận về vụ này.
Tiết lộ của ông Diamond cũng như tuyên bố mới nhất của Barclays đang khiến dư luận Anh đặt ra những câu hỏi như: Tại sao Ngân hàng trung ương Anh lại muốn một ngân hàng nhỏ hơn nói dối về chi phí vay - cơ sở để xây dựng lãi suất liên ngân hàng? Những quan chức nào trong chính phủ đứng sau vụ này? Họ đã biết được điều gì và từ khi nào?
Nghị sĩ Công đảng Ed Balls, từng giữ vị trí Bộ trưởng Thiếu nhi năm 2008, đã ngay lập tức lên tiếng đề nghị mở cuộc điều tra toàn diện về những thông tin “động trời” trên. Cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ Lord Lawson cảnh báo, vụ bê bối này sẽ còn lan rộng.
Minh Dương